China Evergrande lần thứ hai 'thoát chết'

30/10/2021 17:20 vtcnew.vn

Theo Nikkei Asian Review, China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới - một lần nữa thoát khỏi một vụ vỡ nợ nhờ kịp thời trả lãi trái phiếu ngay trước khi kết thúc thời gian ân hạn.

Điều này giúp tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn có thêm thời gian bán tài sản và đàm phán với các trái chủ.

"Bên ủy thác thông báo cho chúng tôi về khoản trả lãi vào ngày hôm qua. Tôi đã nhận được tiền ngay sau đó", một nhà đầu tư giấu tên nói với Nikkei Asian Review.

Khoản nợ phải trả của China Evergrande đã lên tới hơn 300 tỷ USD. Tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc không thể thanh toán cho nhà cung cấp, nhà thầu, nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhân viên và các trái chủ.

China Evergrande lần thứ hai 'thoát chết' - 1

China Evergrande từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Năm 2017, nhà sáng lập Hứa Gia Ấn trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lần thứ hai thoát nạn

Hơn một nửa trong số 800 dự án nhà ở của China Evergrande bị dừng thi công. Điều đó khiến hàng triệu căn hộ không kịp bàn giao cho khách mua nhà.

Trong vòng vài tuần qua, đây là lần thứ hai China Evergrande thoát vỡ nợ vào phút chót. Tuần trước, gã khổng lồ địa ốc Trung Quốc đã gây bất ngờ khi trả khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD.

Theo Reuters, ông Hứa đã đồng ý bỏ tiền túi vào dự án khu dân cư có ràng buộc với một trái phiếu nhằm đảm bảo thanh toán cho các trái chủ. Tuy nhiên, China Evergrande vẫn sẽ phải thanh toán 573 triệu USD lãi suất trái phiếu coupon trong năm nay và 7,7 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào năm tới.

Một khoản thanh toán lãi suất trái phiếu coupon khác của China Evergrande đến hạn vào ngày 29/10. Tập đoàn cũng đã thất bại trong việc trả khoản lãi 148,2 triệu USD đúng hạn. Khoảng thời gian ân hạn sẽ kết thúc hôm 11/11.

Trong một hồ sơ gần đây, tập đoàn tiết lộ khoản nợ 240 tỷ NDT (37,5 tỷ USD) đến hạn trong năm 2022. Trong khi đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của China Evergrande là 161,6 tỷ NDT.

China Evergrande lần thứ hai 'thoát chết' - 2

Các ngân hàng, nhà cung cấp, nhà thầu, nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhân viên và trái chủ làm ăn với China Evergrande đều điêu đứng. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang xoay xở để vượt qua cuộc khủng hoảng tiền mặt, bao gồm bán tài sản, thu hút nhà đầu tư và thúc đẩy doanh số bán hàng. Nhưng mọi nỗ lực vẫn chưa thành công.

Tập đoàn từng lên kế hoạch bán phần lớn cổ phần trong đơn vị quản lý tài sản với giá 2,6 tỷ USD cho Hopson Development. Nhưng thỏa thuận đã sụp đổ trong tháng này. Các thương vụ mua bán tài sản khác - bao gồm việc bán văn phòng của China Evergrande ở Hong Kong - cũng không thành công.

Hồi đầu tháng, ông Hứa đã thế chấp 500 triệu cổ phiếu China Evergrande - tương đương 5% cổ phần tại tập đoàn - cho một tổ chức, nhưng không phải ngân hàng hay công ty tài chính.

Một trong các cộng sự của ông sau đó đã thế chấp một ngôi nhà ở Hong Kong ước tính trị giá 38,6 triệu USD.

Ác mộng chưa chấm dứt

Doanh số (tính trên hợp đồng) của tập đoàn đã giảm xuống 3,65 tỷ NDT trong giai đoạn 1/9-20/10. Con số này đạt 142 tỷ NDT vào cùng kỳ năm ngoái.

Những rắc rối của China Evergrande và các tập đoàn nhỏ hơn đã làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ lây lan sang hệ thống tài chính 50.000 tỷ USD của Trung Quốc.

Các quan chức Bắc Kinh yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande - bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ hơn 300 tỷ USD của tập đoàn bất động sản này.

Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh đưa ra yêu cầu trên sau khi China Evergrande lần đầu thất bại trong việc thanh toán lãi trái phiếu coupon bằng đồng USD.

Nhiều chính quyền địa phương trên khắp đất nước cũng giám sát tài khoản ngân hàng của công ty. Mục đích là đảm bảo China Evergrande sử dụng tiền để hoàn thành các dự án nhà ở, thay vì trả tiền cho chủ nợ.

China Evergrande lần thứ hai 'thoát chết' - 3

Cuộc khủng hoảng tiền mặt của China Evergrande sẽ không sớm được cải thiện. Giới quan sát lo ngại "hố nợ" sẽ lan sang lĩnh vực bất động sản rộng lớn hơn. Ảnh: Reuters.

Bloomberg nhận định với yêu cầu ông Hứa dùng tiền túi để trả nợ cho China Evergrande, Bắc Kinh dường như không sẵn sàng giải cứu tập đoàn bất động sản nợ nần, ngay cả khi hố nợ hơn 300 tỷ USD đã lan sang lĩnh vực bất động sản và làm chao đảo các thị trường tài chính.

Tháng trước, S&P Global Ratings ước tính rằng các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sẽ phải trả 480 tỷ NDT trái phiếu trong nước và nước ngoài vào năm tới.

Theo CGS-CIMB, đợt đáo hạn trái phiếu lớn đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 1. Các tập đoàn phải thanh toán 6,2 tỷ USD trái phiếu ra nước ngoài.

Các nhà phát triển bất động sản nhỏ hơn, bao gồm Modern Land China, Sinic Holdings và Fantasia Holdings Group đã vỡ nợ. Trong khi đó, những tập đoàn khác cũng chật vật để trả nợ.