Chỉ rõ tiêu cực liên quan đất đai, chứng khoán

12/05/2022 08:49 daidoanket.vn
Kinh tế vĩ mô ổn định

Đánh giá về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong các tháng đầu năm 2022, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, kinh tế - xã hội quý I/2022 tiếp tục thu được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá, GDP ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đạt 46,6% dự toán, tăng 15,4%, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng chỉ rõ, thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.

Nói về thị trường chứng khoán, theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thị trường chứng khoán thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng thao túng giá, làm giá và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng hay công ty niêm yết làm cho thị trường chứng khoán tăng trưởng thiếu bền vững, thiếu ổn định. Do đó, cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp, cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán trong việc để xảy ra tình trạng này.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, thị trường chứng khoán xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. Về thị trường trái phiếu, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp. Cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho ngân sách nhà nước; hiệu quả sử dụng đất của các dự án dở dang còn nhiều hạn chế, các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ đất trống, gây lãng phí, không phát huy được nguồn lực quan trọng này.

Bà Nga cũng cho rằng, hiện tượng những sai phạm trong đấu giá đất, hiện tượng môi giới bất động sản liên kết với nhau đẩy giá đất lên cao, gây sốt đất và làm bất ổn thị trường nên cần phải có giải pháp để giải quyết tình trạng này. Trong việc sử dụng đất đai còn có lãng phí, nhiều nơi đất đai để lâu không đưa vào sử dụng. Khiếu nại, tố cáo về đất còn nhiều và diễn biến phức tạp. Hiện nay khiếu nại, tố cáo về đất chiếm gần 70% trong tổng số các khiếu nại.

Chưa đánh giá cụ thể những thất thoát, lãng phí

Thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, về chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, một số chính sách đã được Quốc hội ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Công tác quản lý, sử dụng nguồn lực còn nhiều bất cập, còn tình trạng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ; đấu thầu, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công liên quan đến công tác phòng, chống dịch, gây bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin trong nhân dân. Mặc dù một số trường hợp đã bị xử lý, song chưa đánh giá cụ thể những thất thoát, lãng phí đã xảy ra.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thị trường chứng khoán hiện quá bất thường. “Bất thường như thế các đồng chí thấy có yên tâm không. Phải đánh giá cho kỹ vấn đề này” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, năm ngoái thị trường này tăng quá nóng và đề nghị báo cáo thẩm tra, dẫn đầy đủ số liệu về thị trường trái phiếu chính phủ để đại biểu Quốc hội biết. Bên cạnh đó cần làm rõ trái phiếu doanh nghiệp phát hành bao nhiêu, trong đó cho bất động sản thế nào, số đến hạn cụ thể ra sao.

“Nghị định các đồng chí đã nói không chặt chẽ, sơ hở thì do đâu. Đừng đổ thừa cho khách quan. Lỗi chủ quan thì phải quy trách nhiệm chứ không nói chung chung được” -Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm đồng thời đề nghị báo cáo tóm tắt trình trước Quốc hội “tránh toàn bằng lời, cần có con số biết nói”, tăng cường phản biện mang tính xây dựng, nơi làm tốt cần dẫn chứng để biểu dương, nơi chưa tốt cũng cần có địa chỉ cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  Ảnh: Quốc hội

Mục tiêu phải đạt từ 8 - 8,5%

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dự báo từ nay đến cuối năm 2022 kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, nhất là để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đầu năm, cộng với tác động của chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì mục tiêu phải đạt được khoảng từ 8 đến 8,5%. Đây là một thách thức rất lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Cùng với việc có giải pháp để ổn định thị trường, niềm tin của nhà đầu tư, có chính sách đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá hàng hóa, nhất là điện, than, xăng, dầu và vật tư nông nghiệp.

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, các chính sách an sinh xã hội, mở cửa trở lại trường học phù hợp, đảm bảo chất lượng dạy và học.

Cử tri kỳ vọng về các nội dung cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 5

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022. Theo ông Dương Thanh Bình - Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng rất cao về các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5, nội dung kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, tác động tích cực, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, định hướng và sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân quan tâm, lo lắng về tình hình cháy nổ tại các nhà máy, nhà xưởng diễn ra liên tiếp trong thời gian qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu; giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao trong khi giá sản phẩm nông nghiệp không tăng, người nông dân sản xuất nông nghiệp không có lãi, đời sống gặp nhiều khó khăn, người nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 4 tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp tục tăng so với tháng trước. Tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 324 lượt với 1.128 công dân đến trình bày 321 vụ việc, trong đó khiếu nại 180 việc, tố cáo 40 việc, kiến nghị, phản ánh 38 việc; có 39 lượt đoàn đông người đến trình bày về 38 vụ việc (tăng 159 vụ việc và tăng 19 đoàn đông người so với tháng trước). Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo đã nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.