Chi phí logistics Việt Nam cao do đâu?

17/12/2020 23:01 toquoc.vn

Báo cáo logistics Việt Nam 2020 mà Bộ Công Thương vừa công bố, chi phí logistics tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong năm 2020 đã giảm đáng kể. Trong đó, 70,8% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tỷ trọng chi phí logistics của doanh nghiệp trên tổng doanh thu chỉ nhỏ hơn 10% và 20,1% số doanh nghiệp có tỷ trọng chi phí logistics trên tổng doanh thu nằm trong khoảng 11 - 20%.

Kết quả này thấp hơn nhiều so với kết quả điều tra trong mẫu khảo sát năm 2019 (trung bình tỷ trọng chi phí logistics trên tổng doanh thu là 21,9%) cũng như thấp hơn số liệu về chi phí logistics của Việt Nam đã được công bố trong các nghiên cứu khác trước đây (khoảng 20%).

Còn theo cách tính của ALG, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tính toán trên cơ sở cập nhật các dữ liệu theo khối lượng hàng hóa vận chuyển và khối lượng hàng hóa luân chuyển và công bố trong Sách Trắng VLA 2018 "Chi phí logistics tương đương với GDP của Việt Nam năm 2017 ở mức 14,5%-19,2%, ước tính chi phí logistics theo GDP là khoảng 16,8%, tương đương với giá trị khoảng 42 tỷ USD".

Năm 2018, LPI của Việt Nam là 39/160, có bước tiến vượt bậc so với 2010 là 53, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Điều này cho thấy chi phí logistics của Việt Nam đã được cải thiện nhiều.

Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP thể hiện trình độ phát triển và vai trò của logistics trong nền kinh tế. So sánh với các quốc gia khác như Trung Quốc có tỷ lệ này là 14,5%, các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Singapore là khoảng 7,5-8,5%.

Chi phí logistics Việt Nam cao do đâu? - Ảnh 1.
 

Như vậy, chi phí logistics trung bình trên tổng doanh thu của doanh nghiệp Việt hiện đang ở mức gần 17%. Các chuyên gia đánh giá tỷ lệ này mặc dù đã thấp hơn trước nhưng vẫn ở mức rất cao.

CHI PHÍ LOGISTICS CAO DO ĐÂU?

Báo cáo từ Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, trong các yếu tố làm tăng chi phí logistics ở Việt Nam thì chi phí vận tải vẫn là thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất.

Trong đó, một trong những điểm chưa tốt là chi phí phi chính thức có tỷ trọng vẫn còn cao trong tổng chi phí vận tải đường bộ, so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ; thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hoá.

Vận tải đa phương thức để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phát triển hiệu quả ở Việt Nam. Kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn tiếp tục là vấn đề hạn chế, là nguyên nhân dẫn đến chi phí vận tải còn cao.

Chỉ riêng trong lĩnh vực vận tải,  theo số liệu từ doanh nghiệp thì trong chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30 - 35%, phí cầu đường (BOT) bình quân chiếm khoảng 10-15%, phí ngoài luồng xấp xỉ 5%.

Trong đề án tái cơ cấu ngành vận tải từ năm 2015 đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm thị phần vận tải hàng hóa đường bộ xuống còn 54%. Tuy nhiên, tại Hội nghị toàn quốc về Logistics (tháng 4/2018), thị phần vận tải đường bộ vẫn được công bố chiếm đến gần 80%.

LÀM SAO ĐỂ CẮT GIẢM CHI PHÍ LOGISTICS?

Bàn về câu chuyện làm sao để cắt giảm chi phí logistics, trao đổi với BizLIVE bên lề Hội thảo Chuyển đổi số cho lĩnh vực dịch vụ logistics, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, cắt giảm chi phí logistics không chỉ có Việt Nam mà còn là mục tiêu của toàn bộ các quốc gia trên thế giới.

Để cắt giảm chi phí logistics, theo ông Tương có rất nhiều giải phảp như ứng dụng công nghệ số hay nâng cao trình độ của nhân viên cung cấp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, một trong những yếu tố căn bản khiến lên chi phí logistics cao lại là các loại thuế, phí.

"Đơn cử như Cảng Hải Phòng mỗi năm thu phí cảng biển 1.700 tỷ, TP.HCM thu hơn 3.500 tỷ, như vậy làm sao để giảm được chi phí logistics khi mức thuế, phí còn cao?", ông Tương đặt vấn đề.

Phản biện về vấn đề này, ông Bùi Bá Nghiêm, Đại diện Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương lại cho rằng, không nên dùng từ "cắt giảm" bởi nhiều chi phí cấu thành trong logistics không thể cắt giảm nữa.

"Mà nên tối ưu hoạt động để nâng cao hiệu quả từ chi phí nguồn lực của doanh nghiệp", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Theo ông Nghiêm, chi phí logistics trên thế giới thông thường gồm 3 nhóm thành phần: Chi phí vận tải, lưu kho và vận hành. Trong mỗi nhóm thành phần lại có rất nhiều chi phí cấu thành và mỗi quốc gia lại có nhiều phương pháp tính khác nhau.

Như vậy, chưa thể khẳng định là chi phí logistics của Việt Nam cao so với thế giới hay không mà phải so sánh với các doanh nghiệp có điều kiện tương tự như Việt Nam, ông Nghiêm phân tích.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó TGĐ Viettel Post, việc chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics hay thành lập các trung tâm logistics lớn là một yếu tố khiến chi phí này còn cao.

Ở một số quốc gia như Đức, họ có các trung tâm logistics quy mô lớn, tại đó sẽ được hỗ trợ về thuế, phí, đất đai,.... như vậy các doanh nghiệp có sự thuận lợi để phát triển và giảm được chi phí logistics. Khi thành công ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp này có thể tiến ra thị trường toàn cầu, ông Long chỉ ra.

Theo ông Long, một hạn chế nữa trong ngành logistics của Việt Nam là việc các doanh nghiệp chưa liên kết chặt chẽ với nhau. Nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về chi phí logistics, về thuê ngoài dịch vụ logistics và năng lực của doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam còn thấp.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa phát huy được hết những lợi thế do logistics đem lại, thậm chí có doanh nghiệp chưa nhìn thấy vai trò hết sức quan trọng của logistics trong việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê của VLA thì hiện tại chỉ có hơn 40% doanh nghiệp có ứng dụng các giải pháp công nghệ cho hoạt động cốt lõi của mình, đa phần là các giải pháp đơn lẻ như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, quản lý vận tải và chưa nhiều doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao.

Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và liên kết chặt chẽ với nhau mới giúp các doanh nghiệp tối ưu hoá nguồn lực và giảm được chi phí logistics toàn ngành, ông Long nhấn mạnh.