Cấm bán hàng ăn tại chỗ: Cần giải bài toán giữa phòng chống dịch và phục hồi kinh tế

07/01/2022 17:39 congluan.vn

Thời gian qua các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận, huyện Hà Nội phải liên tục điều chỉnh về việc bán hàng ăn, uống tại chỗ và bán hàng mang về, từ việc TP Hà Nội công bố cấp độ dịch mới hàng tuần. Chính điều này đã gây ra nhiều bất tiện và khó khăn cho việc kinh doanh của các cơ sở.

cam ban hang an tai cho can giai bai toan giua phong chong dich va phuc hoi kinh te hinh 1

Sau khi được xác định có dịch ở cấp độ 2, UBND quận Đống Đa lập tức điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng, cho phép hàng quán được bán hàng tại chỗ trở lại từ ngày 1/1/2022.

Cấp độ dịch thay đổi liên tục khiến các nhà hàng, quán ăn tại quận Đống Đa cứ mở rồi lại phải đóng, đóng rồi lại mở, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Điều này cũng diễn ra ở các quận khác tại Hà Nội.

Một chủ nhà hàng ở quận Đống Đa cho rằng: Sau thời gian dài tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19, nhà hàng tốn hàng trăm triệu để tu sửa và chuẩn bị duy trì hoạt động, thuê nhân viên. Tuy nhiên, chỉ mới hoạt động chưa lâu, quận Đống Đa đã ra quy định cấm bán hàng ăn tại chỗ. Khách hàng vừa bắt đầu quay trở lại, hoạt động của nhà hàng vừa đi vào guồng thì lại phải dừng hoạt động. Điều thiệt hại cũng không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Liên quan đến bất cập trên, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc cấm ăn uống tại chỗ chỉ giúp dễ truy vết chứ không thể cấm người dân dừng đi làm và di chuyển giữa các quận.

Việc cấm bán hàng theo địa giới hành chính như hiện tại không có tác dụng, bởi cấm ở quận này, người dân lại sang quận khác để ăn uống hoặc tụ tập ở nhà, tiềm ẩn nguy cơ lây lan.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, điều này không có tác dụng nhiều đối với công tác phòng chống dịch trong bối cảnh hiện tại.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nên cho hàng quán bán hàng ăn uống tại chỗ bình thường nhưng với điều kiện phải thực hiện đảm bảo giãn cách phòng chống dịch, điều này sẽ hiệu quả hơn, cũng dễ kiểm soát hơn.

"Bản chất của việc chống dịch là tăng cường giám sát việc tuân thủ 5K của người dân, chủ cửa hàng và đơn vị quản lý, thay vì phân theo địa giới hành chính cấp quận. Việc hạn chế các dịch vụ không thiết yếu ở các quận vùng cam có thể giảm số người tập trung, nhưng cái giá phải trả cho thiệt hại về kinh tế rất lớn".

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu vẫn phải dành cho công tác phòng chống dịch, nhưng song song với đó là thích ứng linh hoạt để phát triển kinh tế.

Theo ông Long, đối với quy định cấm bán tại chỗ đối với dịch vụ ăn uống tại một số quận trung tâm Hà Nội là bài toán mà chính quyền cần phải có biện pháp để thích ứng phù hợp và linh hoạt.

“Phải kết hợp giữa phòng chống dịch và phục hồi kinh tế mà không thể tách rời cái nào được. Không thể tập trung vào phòng chống dịch bệnh mà ngăn sông cấm chợ, phong tỏa theo kiểu địa giới hành chính. Việc trước nay các quy định được áp dụng theo địa lý khu vực hành chính cần được xóa bỏ”, ông Long nêu quan điểm.

Đến 6/1, có 10 quận/huyện "nguy cơ cao" trên địa bàn TP Hà Nội đã siết chặt phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu dừng bán hàng ăn uống tại chỗ, đóng cửa trước 21h hàng ngày.