Cải cách thuế toàn cầu tác động thế nào đối với các tập đoàn đa quốc gia?

16/07/2021 15:09 Linh Nguyễn/ Eastday

Cuộc họp giữa các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G20 vừa kết thúc tại Venice, Ý.

Cuộc họp đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về một khuôn khổ thuế quốc tế ổn định hơn và công bằng hơn.

Một số chuyên gia luật thuế quốc tế cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã rằng cuộc cải cách này sẽ định hình lại các quy tắc thuế quốc tế hiện hành đã có gần một trăm năm, và có thể có tác động đến cơ cấu toàn cầu và hoạt động đầu tư của các công ty đa quốc gia.

Nội dung của cải cách thuế toàn cầu là gì

Để đối phó với những thách thức của các chính sách thuế quốc tế do sự phát triển kỹ thuật số của nền kinh tế toàn cầu và việc chuyển lợi nhuận để tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia, đã liên tục có nhiều lời kêu gọi cải cách thuế toàn cầu.

Sau nhiều năm nghiên cứu và đàm phán, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra khuôn khổ bao trùm gồm hai trụ cột nhằm phân bổ lại quyền đánh thuế đối với lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia và thiết lập mức thuế tối thiểu có hiệu lực toàn cầu.

OECD thông báo vào ngày 1 tháng 7 rằng khuôn khổ cải cách thuế quốc tế hai trụ cột do tổ chức này phối hợp và đàm phán đã được 130 quốc gia và khu vực tài phán ủng hộ. Điều này cho thấy khối lượng kinh tế tham gia vào cải cách thuế chiếm hơn 90% nền kinh tế toàn cầu.

OECD dự kiến hoàn thành các công việc còn lại của khuôn khổ cải cách thuế vào tháng 10 năm nay và thực hiện kế hoạch vào năm 2023.

OECD dự đoán rằng thông qua khuôn khổ cải cách thuế quốc tế hai trụ cột, quyền đánh thuế đối với lợi nhuận vượt quá 100 tỷ đô la Mỹ mỗi năm sẽ được chuyển giao cho các khu vực tài phán thị trường; nếu mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được đặt ở mức không dưới 15%, thế giới sẽ thêm khoảng 150 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Làm thế nào để phân bổ quyền đánh thuế lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia

Trụ cột đầu tiên của khuôn khổ cải cách thuế toàn cầu là phân bổ lại một phần quyền đánh thuế lợi nhuận toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn cho các khu vực tài phán thị trường.

Nghĩa là, ngoài việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại trụ sở chính và các địa điểm trực thuộc của công ty, các công ty đa quốc gia còn phải nộp thuế tại nơi họ tạo ra lợi nhuận.

Daniel Bunn, phó chủ tịch các dự án toàn cầu của Tổ chức Thuế Mỹ, nói với Tân Hoa xã rằng các quy tắc thuế quốc tế hiện hành thường yêu cầu các công ty đa quốc gia phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở những nơi họ có hoạt động thực tế, có tài sản và nhân công.

Các quy tắc mới yêu cầu một số công ty đa quốc gia lớn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại các khu vực tài phán nơi có khách hàng của họ, ngay cả khi công ty không sở hữu các hoạt động thực tế, tài sản hoặc nhân công tại các khu vực tài phán đó.

Ví dụ: giả sử một công ty đa quốc gia của Mỹ có chi nhánh tại Pháp, các sản phẩm và dịch vụ của công ty đó được bán cho hàng chục quốc gia như Mỹ, Pháp và Đức…

Theo các quy tắc thuế quốc tế hiện hành, công ty này sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Mỹ và Pháp tương ứng dựa trên lợi nhuận của họ tại Mỹ và Pháp.

Tuy nhiên, các quốc gia khác như Đức, là thị trường bán hàng của công ty, không có quyền đánh thuế lợi nhuận của công ty.

Sau khi quy tắc trụ cột một có hiệu lực, công ty này sẽ cần phân bổ một phần quyền đánh thuế lợi nhuận toàn cầu cho Đức cũng như hàng chục thị trường bán hàng theo tỷ lệ nhất định dựa trên các yếu tố như quy mô tương đối của nhóm khách hàng, Mỹ và Pháp cần từ bỏ một phần quyền đánh thuế lợi nhuận của công ty này.

Để tránh bị đánh thuế nhiều lần, các quốc gia cần đạt được một hiệp ước quốc tế về thuế dựa trên nguyên tắc trụ cột thứ nhất và được sự chấp thuận của cơ quan lập pháp quốc gia.

Mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới hoạt động như thế nào

Trụ cột thứ hai đảm bảo việc nộp thuế của các tập đoàn đa quốc gia lớn tại mỗi khu vực tài phán không thấp hơn mức tối thiểu, bằng cách thiết lập mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới, qua đó hạn chế "cuộc đua xuống đáy" mà các khu vực tài phán chạy đua giảm thuế suất nhằm thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

Kyle Pomerol, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ, nói với Tân Hoa Xã rằng trụ cột thứ hai sẽ thiết lập mức thuế tối thiểu đối với lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty đa quốc gia.

Ví dụ: một công ty đa quốc gia của Đức vẫn đóng thuế theo thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của Đức cho các hoạt động tại quốc gia của mình, nhưng nếu thuế suất hiệu lực đối với khoản thuế phải nộp tại khu vực tài phán ở nước ngoài thấp hơn 15%, Đức sẽ đánh bổ sung vào lợi nhuận ở nước ngoài của công ty đa quốc gia này, thuế được đánh với thuế suất tối thiểu là 15%.

Sau khi thực hiện quy tắc thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, động lực chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia sang các khu vực thuế thấp hay các “thiên đường thuế” sẽ giảm đi đáng kể.

Điều đáng chú ý là khi ngày càng nhiều quốc gia áp dụng quy định thuế suất doanh nghiệp tối thiểu, điều này sẽ làm tăng mức thuế chung của các công ty đa quốc gia toàn cầu.

Cải cách thuế toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến đầu tư xuyên biên giới

Trụ cột thứ nhất nhằm mục đích phân bổ lại quyền đánh thuế một phần lợi nhuận của các công ty đa quốc gia, điều này sẽ làm tăng chi phí tuân thủ ở nước ngoài của một số công ty đa quốc gia, nhưng sẽ không làm tăng gánh nặng thuế.

Michael Deverrow, giáo sư nghiên cứu thuế tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh, nói với Tân Hoa xã rằng ông ước tính rằng 78 công ty trong số 500 công ty thuộc danh sách Fortune Global sẽ bị ảnh hưởng bởi quy tắc trụ cột thứ nhất, bao gồm 37 công ty Mỹ và châu Âu.

Trụ cột thứ nhất đa phần giải quyết tranh chấp thuế dịch vụ kỹ thuật số giữa Mỹ và Châu Âu đã kéo dài trong vài năm.

Trong những năm gần đây, Pháp và các nước châu Âu khác đã tích cực thúc đẩy việc đánh thuế kỹ thuật số đối với hoạt động của các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon và Apple tại quê nhà, điều này đã bị Mỹ phản đối gay gắt.

Nếu trụ cột thứ nhất được triển khai thành công, các nước châu Âusẽ  đồng ý từ bỏ việc đánh thuế kỹ thuật số đơn phương.

Pomero nói với các phóng viên rằng những công ty đa quốc gia có hoạt động kinh doanh lớn, sử dụng nhiều tài sản trí tuệ ở nước ngoài thường thành lập các công ty con và các công ty liên quan khác trong các lĩnh vực thuế thấp để tránh thuế, chẳng hạn như các công ty đa quốc gia về công nghệ và dược phẩm, do đó việc thực hiện quy tắc thuế suất doanh nghiệp tối thiểu có thể có tác động đến các công ty đó.

Gary Huffbauer, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với Tân Hoa xã rằng việc thiết lập mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới đã tước đi không gian chính sách của một số quốc gia để sử dụng thuế suất thấp nhằm thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia, đặc biệt là đối với những nền kinh tế không có biện pháp nào khác để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì thật không công bằng, các tổ chức tài chính quốc tế như các ngân hàng phát triển đa phương nên xem xét giúp đỡ các nền kinh tế này.