Các nhà máy của Trung Quốc vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng

03/11/2021 07:44 congluan.vn

Một cuộc khảo sát của chính phủ về hoạt động sản xuất được công bố vào cuối tuần qua cho thấy tăng trưởng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đã phải đối mặt với một số vấn đề, bao gồm suy thoái năng lượng, chậm trễ vận chuyển và hàng tồn kho tăng.

"Rõ ràng là động lực kinh tế đang chậm lại nhanh chóng và áp lực chuỗi cung ứng đang làm gia tăng điểm yếu này", ông Mitul Kotecha, chiến lược gia về các thị trường mới nổi châu Á và châu Âu tại TD Securities, viết trong một nghiên cứu hôm thứ Hai (1/11).

"Mặc dù chúng tôi có thể thấy hoạt động sản xuất giảm nhẹ trong những tháng tới, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung dường như đã ổn định".

Cuộc khủng hoảng vận tải biển toàn cầu đã tạo ra sự hỗn loạn trên toàn thế giới, với nhiều công ty lớn thừa nhận rằng việc các cảng bị tắc nghẽn, thiếu nguồn cung và chi phí cao hơn đang làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh. Đó là mối lo ngại sẽ đè nặng lên quý cuối cùng của năm, một kỳ nghỉ lễ quan trọng đối với nhiều nhà bán lẻ.

Không phải tất cả dữ liệu bên ngoài Trung Quốc đều xấu. Một cuộc khảo sát riêng của tập đoàn Caixin cho thấy mức tăng nhẹ từ tháng 9 tới tháng 10.

Tập đoàn này cho rằng sự gia tăng trong chỉ số của mình là do nhu cầu trong nước phục hồi, nhưng lưu ý rằng tình trạng thiếu điện và tình trạng thiếu nguyên liệu thô đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung.

Các nhà kinh tế tại Capital Economics đã chỉ ra rằng phần lớn nhiều công ty báo cáo hoạt động giảm hơn là tăng, cho thấy sản lượng tổng thể đã bị hạn chế.

Bà Sheana Yue, trợ lý kinh tế tại Capital Economics, viết trong một lưu ý rằng: “Những người trả lời khảo sát lưu ý rằng việc thiếu điện, thiếu nguyên liệu và chi phí đầu vào cao đã kìm hãm sản lượng”.

Khi chi phí nguyên vật liệu tiếp tục tăng trên toàn thế giới, các nhà phân tích kỳ vọng tình trạng tắc nghẽn nguồn cung sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới.

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các bước để giải quyết một số vấn đề.

Ví dụ, vào đầu tháng trước, Trung Quốc đã ra lệnh cho các mỏ than tăng sản lượng, chỉ vài tháng sau khi ra lệnh ngược lại để kiềm chế lượng khí thải carbon.

Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng những nỗ lực đó không mang lại hiệu quả cứu trợ ngay lập tức.

Ông Ken Cheung Kin Tai, chiến lược gia ngoại hối châu Á tại Mizuho, ​​viết: “Các biện pháp mạnh mẽ của chính phủ nhằm giới hạn giá than và thúc đẩy sản xuất than có thể mất thời gian để giải quyết tình trạng thiếu điện".

Trong khi đó, một chỉ số chính thức về hoạt động kinh doanh phi sản xuất đã giảm trong tháng 10, cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng vẫn là điều đáng lo ngại.

Bà Yue nói thêm, lưu ý việc đặt lại các hạn chế khi Trung Quốc cố gắng ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 có thể tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế. "Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mờ nhạt trong những quý tới", bà nói.

Hoàng Nam