Các ngân hàng thu hồi nợ của FLC như thế nào?

25/04/2022 06:08 daidoanket.vn

OCB cho biết sẽ thu hồi sớm hơn một nửa khoản vay của FLC trong tháng 4 còn Sacombank cho hay đã xử lý, thu nợ được 2.600 tỷ đồng và trong 1 tháng tới FLC sẽ thu xếp trả phần còn lại.

Sacombank, BIDV, OCB là 3 chủ nợ lớn của FLC

Chủ nợ lớn nhất của FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng thương mai cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) với tổng dư nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Theo BCTC hợp nhất quý 4/2021 của STB tổng cho vay khách hàng là 381.012 tỷ đồng và vốn chủ là 34.261 tỷ đồng. Khoản nợ này chiếm 0,48% tổng dư nợ và khoảng 5,4% vốn chủ. Tháng 4/2021, Sacombank và Bamboo Airways cũng đã ký kết hợp tác toàn diện. Sau giai đoạn này, FLC mới bắt đầu phát sinh các giao dịch tín dụng với ngân hàng có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cả Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đều do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. FLC từng là công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Bamboo Airways và hiện nay vẫn là một cổ đông lớn. Từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã dùng xấp xỉ 160 triệu cổ phần tại Bamboo Airways để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Tập đoàn FLC tại Sacombank.

Chủ nợ lớn thứ 2 là Ngân hàng thương mai cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) cho vay khoảng 1.747 tỷ. Theo BCTC hợp nhất quý 4/2021 mới nhất của BID. Tổng cho vay khách hàng là 1.380.401 tỷ đồng và vốn chủ là 86.366 tỷ đồng. Khoản nợ này chỉ chiếm 0,12% tổng dư nợ và khoảng 2% vốn chủ.

Ngân hàng thương mai cổ phần Phương Đông (OCB) đứng thứ 3 khi cho FLC vay gần 1.400 tỷ đồng. Tập đoàn FLC và ngân hàng OCB cũng từng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược vào ngày 19/1/2019, hoạt động tín dụng giữa hai bên tăng lên nhanh chóng sau đó.

OCB thương thảo thu nợ trước hạn dự kiến 1.500 tỷ đồng

Ngày 23/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2022. Trước câu hỏi hỏi về các khoản nợ tại Tập đoàn FLC, Đại Nam… của cổ đông, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết định hướng phát triển của OCB là đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ.

Thời gian qua, ngoài FLC, OCB cũng cho vay các chủ đầu tư khác như Khang Điền, Nam Long, Sơn Kim Land. OCB cho vay tập đoàn FLC chủ yếu tập trung vào 2 dự án ở Quảng Ninh. Khi cho vay OCB căn cứ vào từng dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý.

Phiên họp đại hội cổ đông OCB sáng 23/4. Ảnh: OCB
Phiên họp đại hội cổ đông OCB sáng 23/4. Ảnh: OCB

Theo ông Tùng, việc quản lý rủi ro ở OCB rất chặt chẽ, các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản là trên 2.000 tỷ đồng. Đất mà ngân hàng nhận là có sổ chứ không phải hình thành trong tương lai. Ngoài dư nợ cho vay FLC, OCB cũng Bamboo Airways vay. Giống như Sacombank, hiện nay OCB cũng đang thương thảo thu nợ trước hạn dự kiến 1.500 tỷ đồng.

“Hiện nay vụ việc này cũng được báo cáo chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi cho rằng, sự việc của ông Trịnh Văn Quyết là vấn đề cá nhân,” ông Tùng nói.

Đối với các khoản nợ ở Tập đoàn Đại Nam, ông Tùng cho biết không đáng lo, tất cả đều có sổ đỏ. Ngày 22/4, Đại Nam đã trả cho OCB 450 tỷ đồng. Dự kiến với nguồn thu của mình, Đại Nam sẽ đủ năng lực trả nợ cho OCB và các ngân hàng khác.

Cũng theo ông Tùng, sự việc liên quan FLC và Đại Nam có ảnh hưởng tới kế hoạch tín dụng của ngân hàng, song OCB sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản, mở rộng cho vay bán lẻ. Do đó, khả năng kiểm soát nợ xấu dưới 1% là khả thi.

Sacombank thu nợ được 2.600 tỷ đồng

Trên 5.000 tỷ đồng là tổng dư nợ mà Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) cho vay nhóm khách hàng liên quan đến Tập đoàn FLC, gồm cả Bamboo Airways; trong đó, riêng dư nợ của FLC là 3.200 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đã xử lý, thu nợ được 2.600 tỷ đồng và trong 1 tháng tới FLC sẽ thu xếp trả phần còn lại.

Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh (Ảnh: STB).
Chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank Dương Công Minh (Ảnh: STB).

Thông tin trên được bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra ngày 22/4 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Diễm, tài sản thế chấp của khoản vay này là cổ phiếu nhưng đằng sau đó là rất nhiều dự án bất động sản tại Quảng Ninh, Hà Nội. Do vậy việc xử lý tài sản đảm bảo rất thuận lợi.

Liên quan đến việc cho vay bất động sản, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng chỉ chiếm 22% so với tổng mức tín dụng của ngân hàng; trong đó cho vay người dân, tiêu dùng xây, sửa nhà chiếm đến 60%.

Xét về con số tuyệt đối, dư nợ cho vay doanh nghiệp bất động sản tại Sacombank chỉ có 30.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ 400.000 tỷ đồng.