Nhiều ngân hàng đang... thừa tiền

05/02/2021 06:05 toquoc.vn

Số phận của nền kinh tế và các ngân hàng thường gắn bó chặt chẽ với nhau; khi khách hàng gặp khó khăn, các khoản vay sẽ không được thanh toán. Tuy nhiên đang có 1 nghịch lý xảy ra tại Mỹ. Mùa hè năm ngoái được đánh dấu bằng sự tạm lắng của làn sóng lây nhiễm Covid-19 và hoạt động kinh tế phục hồi. Mùa đông kéo theo nhiều ca nhiễm bệnh và các vụ đóng cửa hơn. Nhưng tuy lợi nhuận của các ngân hàng vẫn thấp trong giai đoạn mùa hè, doanh thu quý IV/2020 - được công bố từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 1 vừa qua - lại tăng lên. Điều gì đang xảy ra?

Một lý do giải thích là mảng ngân hàng đầu tư tại hầu hết các ngân hàng lớn đều hoạt động tốt, nhờ vào các đợt IPO gấp rút và thị trường chứng khoán bùng nổ. Lợi nhuận cao ngất ngưởng tại các ngân hàng có được phần lớn là từ doanh thu của hoạt động ngân hàng đầu tư và kinh doanh. Goldman Sachs kiếm được 4,5 tỷ USD trong quý 4, bằng một nửa lợi nhuận trong năm 2020. Lợi nhuận mảng ngân hàng đầu tư của JPMorgan Chase trong cùng quý cũng gần như tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu nhập của cả ngân hàng đạt mức kỷ lục 12,1 tỷ USD trong quý IV.

Hoạt động kinh doanh chủ yếu của ngân hàng là lĩnh vực thương mại và tiêu dùng cũng hoạt động tốt. Đây, một phần, có thể là một sự ngẫu nhiên trên khía cạnh kế toán. Khi kỳ vọng trả nợ giảm, các ngân hàng phải ghi giảm giá trị tài sản mà họ ghi nhận là lỗ. Do đó, nhiều ngân hàng đã báo cáo lợi nhuận thấp (và trong một số trường hợp là lỗ) trong quý hai và quý ba, mặc dù người đi vay hầu hết đã hoàn trả các khoản vay của họ. Mặc dù tỷ lệ nợ quá hạn cũng tăng lên trong quý IV, nhưng với việc vắc xin xuất hiện đã mang tới hy vọng.

Sự phục hồi tương đương với tình hình trả nợ. Vì vậy, các nhà cho vay lớn nhất của Mỹ — Bank of America, Citigroup, JPMorgan và Wells Fargo — đã đánh giá lại các khoản cho vay của mình.Vào tháng 9, JPMorgan dự kiến ​33,6 tỷ USD trong tổng số khoản vay trị giá 1.000 tỷ USD sẽ không được thanh toán. Nhưng vào cuối tháng 12, chỉ có chưa đến 1,1 tỷ USD nợ đã được xóa bỏ. Các khoản cho vay trị giá khoảng 1,8 tỷ USD mà họ đã dự kiến ​​sẽ không thu hồi được trước đó sẽ được hoàn trả. Những khoản lỗ giả định được ngăn chặn này sẽ giúp tăng thêm lợi nhuận.

Sự thịnh vượng này là món quà dành cho những người đã dành cả thập kỷ qua để cố gắng làm cho các ngân hàng an toàn hơn. Trong quá khứ, thu nhập của các ngân hàng đầu tư gắn liền với nền kinh tế hơn, nhờ vào các danh mục tài sản béo bở như các chứng khoán có thế chấp. Bây giờ các ngân hàng phải găm quá nhiều vốn nhằm đối phó với các tài sản có tính biến động mà trước họ không bận tâm tới. Khi thị trường tăng đột biến vào năm ngoái, các ngân hàng này đã kiếm được lợi nhuận (khi mà thắng lớn từ mảng tự doanh chứng khoán) trong khi không bị thiệt hại khi thị trường lao dốc (vì không cầm tài sản dễ bay hơi do biến động).

Nhưng các khoản thu nhập này cũng đã chứng tỏ rằng những quy tắc nghe hợp lý sẽ có thể trở nên tồi tệ như thế nào trong những thời điểm khác thường. Các ngân hàng thường quan tâm đến việc tích lũy tiền gửi của khách hàng. Chúng là những nguồn vốn rẻ; ngân hàng càng giữ nhiều tiền gửi thì ngân hàng càng có thể cho vay nhiều hơn. Trong một năm vừa qua, việc nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang đã bơm một lượng lớn tiền mặt vào hệ thống ngân hàng và khiến lượng tiền gửi tăng vọt. Vào năm 2020, thêm gần 580 tỷ USD đã được đổ vào JPMorgan và 360 tỷ USD tại Bank of America. Một nhà phân tích đã gọi những núi tiền gửi này là "sự bối rối về tiền bạc đối với ngành ngân hàng"

Tuy nhiên, các quy tắc hậu khủng hoảng tài chính khiến số tiền này trở thành một vấn đề chứ không phải là một khoản béo bở. Các ngân hàng lớn phải đối mặt với yêu cầu vốn cao nếu họ phát triển quá nhanh. Hậu quả sẽ có thể được bỏ qua nếu có đủ cơ hội sinh lời. Nhưng nhu cầu vốn vay thấp. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi trên toàn hệ thống đã giảm mạnh, từ 94% năm 2008 xuống còn 64% năm ngoái. Kết quả là một số ngân hàng đang cố gắng loại bỏ tiền gửi. Jamie Dimon, lãnh đạo của JPMorgan, nói với các nhà đầu tư rằng ngân hàng đã yêu cầu một số khách hàng doanh nghiệp lớn của họ rút tiền mặt, điều giúp giảm 200 tỷ USD trong cơ sở tiền gửi. Jennifer Piepszak, giám đốc tài chính của ngân hàng này cũng nói rằng họ có thể "né tránh việc nhận các khoản tiền gửi mới". Cuộc khủng hoảng covid-19 đã cho thấy khả năng phục hồi của hệ thống tài chính. Nhưng đồng thời nó cũng cho thấy sự kỳ quặc của lĩnh vực này.

Tham khảo The Economist