Các ngân hàng được phép giãn trích lập dự phòng nợ cơ cấu trong 3 năm

04/04/2021 14:12 congluan.vn
Các ngân hàng được phép giãn trích lập dự phòng nợ cơ cấu trong 3 năm.

Các ngân hàng được phép giãn trích lập dự phòng nợ cơ cấu trong 3 năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Theo đó, về miễn, giảm lãi, phí thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) sẽ được quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021.

Để được áp dụng chính sách này điều kiện bắt buộc là khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại thông tư thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Cùng với đó, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 thuộc diện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi.

Trong đó bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020.

Đồng thời, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi của khoản nợ phát sinh từ 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020 theo quy định của thông tư.

Đối với số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Đối với số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ bị quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại thông tư này, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại thông tư, từ ngày được cơ cấu lại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không hạch toán thu nhập mà theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Từ ngày 1/1/2024, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài để phân loại đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư.

Bên cạnh đó, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN cũng bổ sung quy định về trích lập dự phòng rủi ro có hiệu lực từ 17/5/2021. Theo đó, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với khách hàng có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi.

Cụ thể, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung là chênh lệch giữa số tiền dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng, với số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung dương, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích bổ sung tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất vào 31/12/2021; tối thiểu 60% tại ngày 31/12/2022 và 100% tại ngày 31/12/2023.

Từ ngày 1/1/2024, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ quy định của Ngân hàng Nhà nước về trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài để trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN.

Khánh Linh