Các cơ quan lập pháp và kiểm toán thúc giục ban hành quy định về kế toán tiền điện tử

21/07/2021 06:05 Hiếu Kỳ/ The Wall Street Journa

Hầu hết các công ty vẫn cố tránh các khoản đầu tư tiền điện tử do lo ngại những biến động.

Các cơ quan lập pháp và kiểm toán đang thúc giục các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn “lấp đầy khoảng trống” bằng cách soạn thảo các quy định cụ thể nhằm giúp cho các công ty biết cách hạch toán bitcoin và các tài sản tiền điện tử khác.

Những loại tài sản này, vốn không phải chịu các yêu cầu kế toán bắt buộc của Mỹ, đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý sau những biến động mạnh trong những tháng gần đây cũng như các khoản đầu tư của các công ty như tập đoàn sản xuất ô tô điện Tesla và tập đoàn cung cấp thanh toán Square.

Bitcoin, đồng tiền ảo từng tăng lên mức kỷ lục 63.381 đô la vào tháng 4, đã giảm khoảng một nửa giá trị kể từ đó, đồng thời phản ánh sự biến động của các tài sản tiền số khác.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), cơ quan giám sát các thị trường chứng khoán của Mỹ, đang xem xét các quy định mới đối với thị trường tiền điện tử để ngăn chặn gian lận.

Chủ tịch Gary Gensler, người từng giảng dạy các khóa học về tiền số tại Viện Công nghệ Massachusetts trước khi nhậm chức, cho rằng các quy tắc bảo vệ nhà đầu tư tương tự như những quy tắc đối với các chứng khoán phái sinh và cổ phiếu nên được áp dụng cho các sàn giao dịch tiền điện tử.

Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng, cơ quan đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu về quản lý ngân hàng, vào tháng trước đã đề xuất các ngân hàng kinh doanh tài sản tiền điện tử nên nắm giữ các khoản dự phòng đáng kể để bù đắp các khoản lỗ có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực kế toán vẫn chưa có nhiều tiến triển. Hội đồng Tiêu chuẩn Kế toán Tài chính (FASB), cơ quan đặt ra các tiêu chuẩn kế toán cho các công ty đại chúng và tư nhân cũng như các tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, vào năm ngoái đã quyết định không thêm chủ đề này vào chương trình nghị sự của mình khi cho rằng việc các công ty đầu tư vào tiền điện tử là không phổ biến.

Tháng trước, FASB đã khởi động một cuộc tham vấn về chương trình nghị sự lần đầu tiên sau 5 năm, nhằm tìm hiểu quan điểm của công chúng về những ưu tiên dài hạn mà hội đồng nên có.

Tùy theo kết quả phản hồi mà hội đồng có thể xem xét các dự án kế toán mới, ví dụ như báo cáo tài chính về các tài sản số.

Một nữ phát ngôn viên cho biết FASB dự kiến xem xét các phản hồi - có hạn chót là ngày 22/9 - vào đầu năm sau.

Nữ phát ngôn viên cũng cho biết vẫn còn quá sớm để dự đoán FASB sẽ thực hiện hành động gì, nếu có, đối với các khoản đầu tư tiền điện tử.

Vấn đề về cách các công ty hạch toán tài sản tiền điện tử là vấn đề tách biệt với cách họ nộp thuế cho các khoản đầu tư.

Do vẫn chưa có quy định kế toán bắt buộc cụ thể nào nên các công ty có nắm giữ tiền điện tử phân loại chúng là tài sản vô hình vô thời hạn - tương tự như nhãn hiệu và tên miền trang web - tức là tuân theo các nguyên tắc không ràng buộc của Hiệp hội Kế toán viên chuyên nghiệp được chứng nhận quốc tế.

Theo các nguyên tắc này, các công ty phải xem xét lại giá trị của các tài sản này ít nhất mỗi năm một lần.

Họ phải bút toán giảm (write-down) nếu giá trị giảm xuống dưới mức giá mua vào, tùy theo kết quả kiểm tra mức độ suy giảm của mình.

Tuy nhiên, nếu giá trị tăng lên thì các công ty chỉ có thể ghi nhận lợi nhuận khi họ bán tài sản đi chứ không phải khi vẫn đang nắm giữ chúng.

Điều này đang tạo ra một bức tranh thiếu hoàn chỉnh cho các nhà đầu tư đang cố tìm hiểu các khoản đầu tư tiền điện tử của một công ty. “Thực sự là bạn đang hiểu được chưa đến một nửa câu chuyện”, đó là nhận định của Aaron Jacob, người đứng đầu bộ phận hoạch định tài nguyên doanh nghiệp tại tập đoàn cung cấp phần mềm TaxBit, công ty chuyên hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp tính toán khoản thuế họ phải trả cho các tài sản tiền điện tử.

Ông đã viết thư cho FASB vào tháng trước để yêu cầu tổ chức này đặt ra các quy tắc đối với tài sản tiền điện tử.

Một nhóm lưỡng đảng gồm bảy nghị sĩ, do Hạ nghị sĩ Tom Emmer (Đảng Cộng hòa, bang Minnesota) dẫn đầu, đã đưa ra yêu cầu tương tự với FASB vào tháng 5, đồng thời chỉ ra sự gia tăng giá trị của các tài sản kỹ thuật số này.

Họ viết: “Việc thiếu những hướng dẫn chính thức được xây dựng thận trọng bởi FASB sẽ đe dọa khả năng tạo ra những báo cáo tài chính chính xác và nhất quán cho một loại tài sản tài chính lớn và đang phát triển nhanh chóng”.

Ông Emmer tuần trước đã đưa ra một dự luật nhằm thuyết phục Quốc hội công bố một định nghĩa rõ ràng về tài sản số theo luật chứng khoán của Hoa Kỳ.

Công ty kiểm toán thuộc hàng Big Four - PricewaterhouseCoopers - cho biết họ ủng hộ các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn xem xét kế toán tiền điện tử. KPMG thì từ chối bình luận, trong khi Deloitte và Ernst & Young không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Cho đến nay, hầu hết các giám đốc tài chính vẫn cố tránh các khoản đầu tư tiền điện tử do lo ngại về những biến động.

Deniz Appelbaum, trợ lý giáo sư kế toán và tài chính tại Đại học bang Montclair cho biết, sự thiếu vắng các quy tắc kế toán phù hợp chỉ làm trầm trọng thêm những lo lắng này.

“Nếu như có một bộ tiêu chuẩn thì các giám đốc tài chính sẽ biết phải tiến hành ra sao… và liệu việc đầu tư vào các đồng tiền ảo có phù hợp với công ty của họ hay không,” bà cho biết.

Đối với các công ty có tham gia vào thị trường tiền điện tử, các cổ đông muốn được thấy các chi tiết như mục đích cốt lõi của các khoản đầu tư tiền điện tử, giá mua vào cũng như số lượng, theo Ben Wechter, một nhà phân tích nghiên cứu tại Zion Research Group, tổ chức chuyên cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin về các vấn đề thuế và kế toán.

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk.

Một nhà đầu tư doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực tiền điện tử là Tesla đã tiết lộ trong báo cáo thường niên vào tháng 2 rằng công ty đã mua 1,5 tỷ đô la bitcoin.

Tính đến ngày 31 tháng 3, tổng số bitcoin công ty này nắm giữ là 2,48 tỷ đô la, theo báo cáo hàng quý.

Square thì đã ghi nhận lượng tiền điện tử đang nắm giữ đạt 472 triệu đô la vào ngày 31/3, tăng từ 136,5 triệu đô la hồi cuối tháng 12.

Tập đoàn phần mềm MicroStrategy có trụ sở tại Tysons Corner (bang Virginia, Mỹ), cho biết họ đã sở hữu 1,94 tỷ đô la bitcoin tính đến ngày 31/3, tăng từ 1,05 tỷ đô la vào cuối tháng 12, một phần do lượng bitcoin mua thêm trong quý đầu năm.

Giám đốc điều hành Michael Saylor gần đây cho biết công ty tạm thời đang cố xoay sở với phương pháp kế toán hiện hành.

Theo FASB, một giải pháp thay thế cho việc coi các tài sản tiền điện tử là tài sản vô hình là cho phép các công ty áp dụng các quy tắc kế toán giá trị hợp lý (fair-value) cho một số tài sản số, nếu giá trị hợp lý này có thể được xác định một cách dễ dàng.

Theo ông Wechter của Zion Research, Bitcoin sẽ đáp ứng được các tiêu chí.

Theo kế toán giá trị hợp lý, các công ty sẽ ghi nhận các khoản giảm và tăng giá trị ngay lập tức và coi các tài sản số là tài sản tài chính chứ không phải là tài sản vô hình.

Dan Amiram, phó trưởng khoa kiêm giáo sư kế toán tại Đại học Tel Aviv, cho biết cách tiếp cận này thể hiện giá trị của tài sản số một cách chính xác hơn.

Tuy nhiên, ông nói thêm, vì kế toán giá trị hợp lý bao gồm cả các khoản lãi và lỗ nên nó thậm chí có thể tạo ra nhiều biến động hơn trên báo cáo thu nhập của các công ty.

Những người trong ngành dự kiến kế toán tài sản số vẫn sẽ là một vấn đề đau đầu đối với các nhà điều hành vì những biến động trong giao dịch, cũng là điều mà các nhà đầu tư và nhà phân tích muốn thấy phản ánh trong các báo cáo tài chính.

“Nếu một tài sản có giá trị thị trường, bạn sẽ muốn thấy giá trị đó trên bảng cân đối kế toán của các công ty”, theo Shripad Joshi, một giám đốc cấp cao của công ty xếp hạng S&P Global Ratings.l