Cả thế giới quay cuồng vì than do khủng hoảng ở Ukraine

10/03/2022 06:44 toquoc.vn

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, chẳng hạn như hạn chế tiếp cận các cảng Châu Âu, khiến các công ty Châu Á và Châu Âu đổ xô tìm các nhà cung cấp thay thế, chẳng hạn như Australia.

Xung đột Nga – Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung than giữa bối cảnh thị trường vốn đang rất thiếu cung do sự gián đoạn nguồn cung ở các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Indonesia và Australia, giữa lúc giá dầu và các mặt hàng khác cũng tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm.

Giá than nhiệt tham chiếu trên thị trường thế giới tuần đầu tháng 3 có thời điểm tăng vọt lên mức cao kỷ lục, 446 USD/tấn, phản ánh việc các chính phủ đang sắp xếp lại mức độ ưu tiên sau khi đã cố gắng loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vì chúng góp phần không nhỏ gây ra biến đổi khí hậu.

Ngay sau khi Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine, Ba Lan đã hỏi Australia liệu họ có thể cung cấp số than đá có thể thay thế phần nhập khẩu của Nga hay không?

Thủ tướng Italy đã đề nghị khôi phục các nhà máy nhiệt điện than vì lo ngại nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga bị cắt đứt.

Trong khi đó, Đức phát tín hiệu rằng họ có thể kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện – dự kiến sẽ ​​đóng cửa vào năm 2030 - chỉ vài ngày sau khi nước này đình chỉ việc cấp phép cho dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 – một đường ống có thể tăng gấp đôi lượng khí đốt mà nước này nhập khẩu trực tiếp từ Nga.

Liên minh châu Âu nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên từ Nga hơn bất kỳ quốc gia nào khác, thể hiện một lỗ hổng quan trọng về nền kinh tế của khối nếu nguồn cung mặt hàng này bị cắt.

Lợi thế của than là các nhà máy điện có thể chuyển từ khí đốt tự nhiên sang nhiên liệu trong thời gian ngắn.

Nhưng khó khăn là Nga cũng là nhà cung cấp than nhiệt lớn cho châu Âu.

Nga là nhà sản xuất than lớn thứ sáu trên thế giới, đã xuất khẩu 223 triệu tấn vào năm 2021. Than nhiệt của nước này chiếm 17% thương mại than toàn cầu, trong khi than luyện cốc chiếm 9%.

Trung Quốc là khách hàng than lớn nhất của Nga. Than của Nga chiếm 17,6% nhập khẩu than của Trung Quốc năm 2021, là 324 triệu tấn.

Annalena Baerbock, Bộ trưởng Ngoại giao Đức và là thành viên của Đảng Xanh ủng hộ môi trường, cho biết Đức sẽ buộc phải sử dụng than kéo dài do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo ICE Futures Europe, giá than nhiệt Australia kỳ hạn tương lai hôm 9/3 đạt 141 USD/tấn. Australia là một trong những nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới. Đầu năm 2022, giá than nhiệt Australia chỉ là 134 USD/tấn.

Chỉ trong một tuần qua, giá than Australia tăng 35%, trong vòng một tháng qua tăng 70%, còn so với cùng kỳ năm ngoái thì giá hiện cao hơn 358%.

Giá than Tây Bắc Âu.

Giá than tại các khu vực khác cũng tăng nhanh. Đặc biệt, giá than ở châu Âu liên tục phá vỡ các kỷ lục.

"Đây là những thời điểm mà tôi chưa từng thấy trong 40 năm kinh doanh của mình", một nhà môi giới than có trụ sở tại Mỹ nói về giá than toàn cầu. "Chúng tôi chưa từng thấy sự gián đoạn như thế này này từ trước tới nay.

Rory Simington, một nhà phân tích than cấp cao của công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết: "Các biến động giá lúc này thật điên rồ. ‘Một trăm đô la’ - điên rồ thực sự."

Than không nằm trong các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nhưng những người mua than ở châu Âu và châu Á đang tranh giành nhau để mua, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ukraine đối với nhập khẩu than của họ.

Trên thị trường toàn cầu, Nga chiếm khoảng 15% lượng than nhiệt giao dịch bằng đường biển và khoảng 16% lượng than luyện kim, được sử dụng để sản xuất thép – mặt hàng cũng đã trải qua một đợt tăng giá lên mức cao kỷ lục. Riêng đối với Châu Âu, Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu than.

Các nhà nhập khẩu than lo ngại rằng các hạn chế tài chính đối với các ngân hàng có thể ngăn cản giao dịch, hoặc than đá có thể bị đưa vào một loạt các biện pháp trừng phạt rộng hơn nếu cuộc khủng hoảng trở nên sâu sắc hơn.

Người mua cũng lo ngại than của Nga sẽ không được giao nếu xung đột leo thang, do hoạt động vận tải từ Biển Đen trở nên tê liệt.

Công ty Ørsted AS của Đan Mạch gần đây cho biết họ đã ngừng cung cấp than từ Nga cho các hoạt động năng lượng của mình.

Thêm một minh chứng nữa về mối đe dọa đối với nguồn cung than là một con tàu trọng tải lớn gần đây đã bị trúng đạn ở Biển Đen.

KRU, một nhà sản xuất than luyện thép của Nga, đã tuyên bố bất khả kháng đối với hàng hóa đến các cảng phía tây Nga từ trước khi xung đột leo thang vì những khó khăn trong vận tải đường sắt. Một số công ty khai thác than nhiệt của Nga cũng phản ánh vấn đề tương tự.

Matthew Hope, nhà phân tích của Credit Suisse cho biết: "Thị trường than nhiệt đã khan hiếm từ trước khi Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine nên không có cơ hội để thế giới thay thế nguồn than nhiệt xuất khẩu của Nga".

Một vấn đề quan trọng nữa là sự phụ thuộc của Châu Âu vào than năng lượng cao của Nga, loại than này chỉ được tìm thấy ở một số nơi trên thế giới.

Ngoài ra, các công ty khai thác thường điều hành hoạt động của họ gần hết công suất, có nghĩa là họ không thể sản xuất thêm than một cách nhanh chóng.

Mặc dù vậy, điều đó đã không ngăn cản các quốc gia châu Âu phát triển mạng lưới để tìm kiếm nguồn cung mới.

"Các yêu cầu gần đây từ Ba Lan dành cho Australia về than để thay thế than Nga cho thấy thế giới đang ngày càng hướng tới Australia để tìm kiếm các nguồn tài nguyên cần thiết trong cung cấp an ninh năng lượng", Bộ trưởng Tài nguyên của Australia, Keith Pitt, mới đây cho biết.

Theo ông, than đá đang dẫn đầu sự gia tăng đột biến về thu nhập xuất khẩu của Australia từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Jean-Sébastien Jacques, cựu giám đốc điều hành của Rio Tinto PLC, công ty khai thác lớn thứ hai thế giới, cho biết: "Để đối phó với tình hình năng lượng tức thời ở châu Âu, cần xem xét tất cả các phương án — bao gồm cả việc tăng cường sử dụng than ở một số quốc gia.