Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 6 tuần mua ròng liên tiếp, tổ chức đẩy mạnh 'gom hàng'

18/10/2021 06:36 toquoc.vn

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó, tổng giá trị giao dịch trung bình đạt 26.591 tỷ đồng/phiên, tăng 9,1% so với tuần trước đó.

Giá trị khớp lệnh trung bình cũng tăng 6,3% lên mức 24.025 tỷ đồng/phiên.

Dòng tiền của tổ chức trong nước đóng vai trò quan trọng giúp VN-Index biến động tích cực trong tuần vừa qua, trong khi đó, cả khối ngoại và cá nhân trong nước đều bán ròng.

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 6 tuần mua ròng liên tiếp, tổ chức đẩy mạnh gom hàng - Ảnh 1.

Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.

Cụ thể, theo dữ liệu từ FiinPro, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng trở lại 607 tỷ đồng ở sàn HoSE.

Nếu tính theo phương thức khớp lênh thì giá trị mua ròng là 888 tỷ đồng.

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 6 tuần mua ròng liên tiếp, tổ chức đẩy mạnh gom hàng - Ảnh 2.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

 

Tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng mạnh nhất mã SSB với giá trị 311 tỷ đồng. TCB đứng sau với giá trị mua ròng là 239 tỷ đồng. Tiếp sau đó là HPG với 212 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, VND bị bán ròng mạnh nhất với 261 tỷ đồng. ITC đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng với 194 tỷ đồng. Các cổ phiếu như DCM, VSC, DPM... cũng đều bi bán ròng mạnh.

Đối với khối tự doanh công ty chứng khoán, dòng vốn này có tuần mua ròng thứ 7 liên tiếp với giá trị tăng 69% so với tuần trước và đạt mức 1.181 tỷ đồng. Tính chúng cả 7 tuần, khối tự doanh mua ròng tổng cộng 3.222 tỷ đồng.

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 6 tuần mua ròng liên tiếp, tổ chức đẩy mạnh gom hàng - Ảnh 3.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

 

HPG được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất với giá trị 199 tỷ đồng. MWG đứng sau và được mua ròng hơn 133 tỷ đồng. VPB và TCB đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, GEX bị bán ròng mạnh nhất với 48,8 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 bị bán ròng 47,8 tỷ đồng.

Trái ngược với tổ chức trong nước, cá nhân trong nước giao dịch tiêu cực trở lại khi bán ròng 1.097 tỷ đồng, trước đó, dòng vốn này đã mua ròng 6 tuần liên tiếp.

Đây cũng là tuần bán ròng mạnh nhất của cá nhân trong nước kể từ thời điểm giữa tháng 7. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh, giá trị bán ròng giảm xuống còn 793 tỷ đồng.

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 6 tuần mua ròng liên tiếp, tổ chức đẩy mạnh gom hàng - Ảnh 4.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng khớp lệnh của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

 

Theo phương thức khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất cổ phiếu SSI với giá trị 430 tỷ đồng. Cổ phiếu đứng sau SSI cũng thuộc ngành chứng khoán là VND với giá trị mua ròng 395 tỷ đồng. PAN và KBC được mua ròng lần lượt 360 tỷ đồng và 240 tỷ đồng.

Trong khi đó, TCB bị cá nhân bán ròng mạnh nhất với 344 tỷ đồng. SSB đứng sau với giá trị bán ròng 312 tỷ đồng. Các mã VRE, MWG, STB và MBB đều bị bán ròng trên 200 tỷ đồng.

Khối ngoại có tuần bán ròng thứ 10 liên tiếp với giá trị giảm 32% so với tuần trước đó và ở mức 692 tỷ đồng. Tính tổng cộng, dòng vốn ngoại đã bán ròng 20.689 tỷ đồng.

Nếu tính về giao dịch khớp lệnh, khối ngoại bán ròng 1.216 tỷ đồng ở tuần từ 11-15/10, giảm 38% so với tuần trước.

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 6 tuần mua ròng liên tiếp, tổ chức đẩy mạnh gom hàng - Ảnh 5.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

 

HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị ở mức gần 393 tỷ đồng. Tiếp sau đó, PAN và SSI bị bán ròng lần lượt 349 tỷ đồng và 282 tỷ đồng. Các mã như KBC, MSN, SBT, VND, VNM hay GMD đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, FMC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 487 tỷ đồng và chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận.

Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại sàn HoSE là VRE với 279 tỷ đồng. DPM, HSG, MBB và HAH đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.