Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

10/08/2022 06:00 toquoc.vn

Ngày mai (10/8), Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên họp.

Chiều 9/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ mười bốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".

Đây là chuyên đề giám sát quan trọng, có ý nghĩa lớn, phạm vi giám sát rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội.

"Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng cao nhất báo cáo giám sát để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3); xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24-9-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự thảo Nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7-2022.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1 ngày (10/8) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với 2 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, trưởng ngành khác sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Toàn cảnh phiên họp.

"Để bảo đảm các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, ngoài các phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí thời gian tổ chức 2 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 8 và tháng 9/2022", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Ngay sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).

Được biết, nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch.

Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch.

Cùng với đó là công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.