Bloomberg: Sự hồi phục của nền kinh tế hậu đại dịch có thể sẽ được miêu tả theo bảng chữ cái khác, không phải Latin

25/12/2020 08:22 toquoc.vn

Năm 2020, chúng ta không chỉ thấy những dự đoán về sự hồi phục với chữ V, U, L, K, mà còn là biểu tượng của Nike và hình dáng của bãi biển Cape Cod (Massachusetts – Mỹ). Kinh tế đã trở thành một chủ đề được bàn tán sôi nổi, xuất hiện trong các cuộc tranh luận của tổng thống và trên các phương tiện truyền thông lớn.

Khi đại dịch bùng phát, nhiều nhà kinh tế dự đoán sự hồi phục sẽ diễn ra nhanh chóng, mọi thứ sẽ trở lại bình thường sau đợt suy thoái mại, do các doanh nghiệp và trường học đóng cửa trên diện rộng. Các nước có nền kinh tế tương đối "khỏe mạnh" dường như đang sẵn sàng cho sự hồi phục hình chữ V.

Larry Summers – cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, có quan điểm riêng về sự hồi phục chữ V. Ông so sánh chữ V này sẽ có diễn biến theo hình dạng của Cape Cod vào mùa đông, đây là địa phương phụ thuộc vào du lịch, nền kinh tế "đóng băng" vào mùa đông và sẽ hồi phục khi thời tiết ấm hơn.

Nhưng khi dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát – với nhiều quốc gia chứng kiến những đợt lây nhiễm liên tiếp, các kinh tế gia đã phải sửa đổi dự báo. Những miêu tả về hình dạng của sự hồi phục ngày càng trở nên phong phú hơn. Đó là biểu tượng Nike (chữ J nằm ngang), biểu tượng căn bậc 2 hoặc biểu tượng mà thống đốc NHTW Pháp gọi là "cánh chim" – diễn biến co hẹp mạnh sau khi tăng nhanh chóng và cuối cùng là sự ổn định. Tại Mỹ, một quan chức Fed đã dự đoán sự bùng phát trở lại của dịch bệnh sẽ tạo ra mô hình lên xuống đối với hoạt động kinh tế, tương tự như hình chữ W "với một cái đuôi ngoằn ngoèo".

Bảng chữ cái Latin có thể không còn là sự lựa chọn tốt nhất để miêu tả khoảng thời gian tăng trưởng chậm chạp hiện tại. Các nhà phân tích tại Robeco Institutional Asset Management gợi ý về chữ Baa trong tiếng Ả Rập. Họ lập luận rằng khoảng cách dài theo chiều ngang của chữ cái này phù hợp để minh họa thực tế về nền kinh tế.

Ít nhất, nền kinh tế cũng vượt qua thời điểm như Joachim Fels, cố vấn kinh tế toàn cầu tại Pacific Investment Management, miêu tả hồi tháng 3. Đó là giai đoạn hình chữ I của chu kỳ - khi đà tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng và không có triển vọng hồi phục rõ ràng.

Một giả thuyết khác cho rằng đại dịch đã gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự hồi phục cực kỳ chậm chạp hoặc đình trệ hoàn toàn, đó là hình chữ L. Dù viễn cảnh này có vẻ khó xảy ra, nhưng nỗi lo sợ về việc nhiều người có thể bị loại khỏi thị trường lao động trong nhiều năm, thậm chí là mãi mãi, đã thể hiện rõ trong quan điểm của 1 số nhà hoạch định chính sách ECB. Những gì Nhật Bản trải qua trong những năm 1990 – thập kỷ mất mát, chính là một tiền lệ đáng lo ngại.

Cuộc tranh luận về chữ cái miêu tả sự phục hồi đã trở nên phức tạp hơn, khi 1 số nhà phân tích đã sử dụng hình chữ V cho 1 số giai đoạn của nền kinh tế hoặc 1 quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, hình chữ V có thể gây hiểu nhầm, bởi sự hồi phục 5% từ mức giảm 5% không đưa nền kinh tế trở lại trạng thái trước đây.

Peter Atwater – trợ giảng tại khoa kinh tế trường William & Mary, cho biết, K là chữ cái miêu tả rõ ràng hơn thực tế của năm 2020. Đại dịch không ảnh hưởng đến mọi người với mức độ như nhau và làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng.

Theo Atwater, 2 nét đi theo hướng khác nhau của chữ K đã minh họa điều này. Ví dụ, những người không có địa vị kinh tế tốt trước khủng hoảng – lao động thu nhập thấp trong các ngành du lịch, giải trí và khách sạn, có nhiều khả năng bị mất việc làm trong năm nay hơn. Phần theo hướng đi lên của K đại diện cho những người có hoàn cảnh tốt hơn, bao gồm nhóm người có thể làm việc tại nhà và thu lời lớn từ thị trường chứng khoán.

Hiện tại, sự xuất hiện của vắc-xin đang mang lại hy vọng cho các nhà kinh tế. Một số cho biết chúng ta vẫn có thể chứng kiến đợt tăng trưởng ngoạn mục hình V nếu vắc-xin có đủ cho người dân. Trong khi đó, những người khác cho biết sự phục hồi mạnh mẽ sẽ khiến giai đoạn này giống như chữ U hoặc chữ J. Với 1 số thành phố lớn phải thực hiện các biện pháp hạn chế, có thể hình dạng của sự hồi phục sẽ chưa rõ ràng trong nhiều tháng tới.

Tham khảo Bloomberg