Bịt lỗ hổng trong đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công

25/08/2022 06:00 daidoanket.vn

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Góp ý xung quanh những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật liên quan đến chỉ định thầu, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế cho rằng, việc chỉ định thầu dễ dẫn đến cơ chế xin - cho trong hoạt động đầu tư, đấu thầu. Do chủ đầu tư có quyền chỉ định thầu, trong khi có rất nhiều nhà đầu tư, nhà thầu rất muốn được chỉ định thầu để dễ dàng, nhanh chóng thực hiện hơn do đó dễ phát sinh tiêu cực, trục lợi, tham nhũng, thất thoát ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư trong thực hiện chỉ định thầu.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế phát biểu tại Hội nghị.
TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế phát biểu tại Hội nghị.

“Chủ đầu tư, nhà thầu hay nhà đầu tư lợi dụng các kẽ hở của pháp luật về chỉ định thầu để đề xuất, tiến hành chỉ định thầu mà đáng lẽ phải tổ chức đấu thầu. Trường hợp phổ biến nhất là lấy lý do thời gian không còn nhiều, công trình cấp bách triển khai theo chỉ đạo để chỉ định thầu, không qua đấu thầu. Hay như việc thông thầu “quân xanh, quân đỏ”, không công khai minh bạch để hạn chế nhà thầu, nhà đầu tư để có lý do thực hiện chỉ định thầu” TS. Nguyễn Tiến Dĩnh nêu thực tế.

Để khắc phục những lỗ hổng này, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh đề xuất hạn chế các trường hợp cho thực hiện chỉ định thầu, làm rõ nội hàm tình huống cấp bách, công trình cấp bách, trường hợp đặc biệt… để không thể lợi dụng thực hiện chỉ định thầu hay đề xuất áp dụng trường hợp đặc biệt.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Đi sâu phân tích về những bất cập, mâu thuẫn trong quy định giữa Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, quá trình triển khai các quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành liên quan trực tiếp tới đấu thầu dự án có sử dụng đất cho thấy giữa các văn bản pháp luật đang bộc lộ khá nhiều các mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất và đồng bộ gây ra những rào cản lớn trong thực tiễn thực thi.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 về các dự án có sử dụng đất được thực hiện đấu thầu theo hướng quy định cụ thể danh mục các dự án có sử dụng đất thực hiện đấu thầu, tránh tình trạng thông đồng, cấu kết, lợi ích nhóm giữa chủ đầu tư với chính quyền để đưa dự án đầu tư có sử dụng đất vào danh mục dự án Nhà nước thu hồi đất.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật phát biểu tại Hội nghị.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật phát biểu tại Hội nghị.

Kiến nghị về cơ chế chính sách trong Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung để nâng cao hơn nữa chất lượng những quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, hạn chế lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo tính dân chủ, công khai minh bạch.

Ông Đỗ Duy Thường đề nghị cần có một điều quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện quyền làm chủ, tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ tài sản công; tham gia góp ý dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, cấp xã; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý, tài sản công, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên…

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết để triển khai các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực giao, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành văn bản đề nghị Đảng đoàn MTTQ Việt Nam phối hợp tiến hành rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán.

Trên tinh thần đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam lựa chọn 3 văn bản Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Chứng khoán năm 2019 để góp ý, đề xuất hướng sửa đổi, khắc phục những vướng mắc, bất cập, sơ hở trong các văn bản quy phạm pháp luật trên.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, qua Hội nghị này trên cơ sở tiếp thu những đề xuất, kiến nghị xác đáng, khả thi, bộ phận tham mưu, giúp việc sẽ tổng hợp xây dựng báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để pháp luật được thực hiện nghiêm minh, vừa đảm bảo phòng chống tham nhũng tiêu cực, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích, tạo môi trường lành mạnh, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.