BIDV, Vietcombank sắp phát hành hơn 2 tỷ cổ phiếu

11/12/2021 15:05 Quảng Dương

Một loạt những ông lớn trong ngành Ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Viettin Bank vừa có nghị quyết Hội đồng Quảng trị về việc phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020.

Cụ thể, Vietcombank sẽ chia cổ tức tiền mặt năm 2020, tỷ lệ 12%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VCB sẽ nhận 1.200 đồng.

Đồng thời, phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới.

Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank tăng thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng

Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 và cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 là 23/12/2021. Ngày chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là 5/1/2022.

Đây là lần chia cổ tức bằng cổ phiếu đầu tiên sau 10 năm kể từ năm 2011. Trong khi đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt được Vietcombank thực hiện thường niên. Trước đó, Vietcombank cũng thực hiện trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 8%.

Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Vietcombank sẽ phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư.

Với thị giá hiện tại, nếu phát hành thành công, Vietcombank sẽ thu về hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã đề ra nhiều năm nay vẫn được được triển khai.

Cùng với Vietcombank, BIDV cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 đã được cổ đông thông qua.

Theo kế hoạch, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%.

Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ lên hơn 50.585 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng là hơn 40.220 tỷ đồng.

Ngoài kế hoạch chi cổ tức tăng vốn, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm nay, BIDV cũng dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu mới (tỷ lệ 8,5%) theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Hiện ngân hàng chưa có thông tin gì về lộ trình phát hành thêm này.

Hiện nay, ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống là VietinBank (48.058 tỷ), tiếp theo là VPBank (44.455 tỷ đồng) và BIDV.

Tuy nhiên, thứ hạng này sẽ thay đổi đáng kể vào năm tới nếu BIDV và Vietcombank hoàn tất kế hoạch tăng vốn, đồng thời VPBank chào bán thành công 15% vốn cho đối tác ngoại.

Bản thân VietinBank cũng mới chỉ đang tiến hành đợt tăng vốn thứ nhất. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của VietinBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên hơn 54.000 tỷ.

Sau khi chia cổ tức năm 2017-2019 bằng cổ phiếu, VietinBank dự kiến tiếp tục chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6%.

Tuy vậy, theo lãnh đạo các ngân hàng, cuộc đua về vốn điều lệ cũng không phản ánh toàn diện về tiềm lực của các nhà băng, mà vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng.

Chia cổ tức để tăng vốn điều lệ vào thời điểm nào và sử dụng vốn ra sao cho hiệu quả mới là điều cần chú trọng.

Trong bảng xếp hạng vốn chủ sở hữu, Vietcombank đang dẫn đầu với gần 99.000 tỷ đồng.

Theo sau là VietinBank (91.800 tỷ), BIDV (82.200 tỷ), Techcombank (79.000 tỷ), Agribank (73.000 tỷ), VPBank (56.000 tỷ), MB (53.700 tỷ)...

Cũng giống như vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu cũng rất dễ thay đổi trong thời gian tới khi ngoài việc gia tăng vốn từ nguồn lợi nhuận, một số ngân hàng dự kiến sẽ có thêm nguồn vốn từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ, chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài,…

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại, trên thc tế chỉ giúp vốn điều lệ tăng lên mà không tác động lên vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh cuộc đua về vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ, cuộc đua về vốn hóa trên thị trường chứng khoán của các ngân hàng cũng rất gay cấn, không ngoài khả năng sẽ tiếp tục có các cuộc soán ngôi ngoạn mục thời gian tới bởi thị trường chứng khoán đang tăng trưởng mạnh mẽ.