BIDV rao bán nợ trăm tỷ đồng, dự kiến thu 8.000 tỷ đồng năm 2021

17/03/2021 06:25 toquoc.vn

BIDV ( HoSE: BID ) thông báo lựa chọn tổ chức đầu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Kiến Trúc và Xây dựng Archplus với tổng dư nợ gốc, lãi vay và lãi phạt là 473,4 tỷ đồng, gồm 257 tỷ đồng nợ gốc và 216 tỷ đồng nợ lãi, phí phạt.

Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3 m2 tại 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội với thời hạn sử dụng 50 năm từ 19/5/2005. Hai tài sản đảm bảo khác là 3 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần thời trang NEM của ông Trương Việt Bình và bảo lãnh thanh toán của Công ty Cổ phần thời trang NEM. Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là hơn 473,4 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long với giá khởi điểm gần 134,5 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là tài sản thế chấp theo các Hợp đồng thế chấp đã ký giữa BIDV và công ty.

Cuối năm 2020, BIDV từng đấu giá khoản nợ của đơn vị trên với giá khởi điểm hơn 164 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo được công bố là 3 quyền đòi nợ được ký kết theo hợp đồng kinh tế Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long với Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông NVT và Thương mại Thăng Long; Công ty Cổ phần Đầu tư Thành An và 3 động sản là xe ôtô, cần trục tháp. Bên cạnh 2 khoản nợ trên, nhiều khoản nợ giá trị trăm triệu được bảo đảm bằng động sản khác cũng đang được rao bán.

BIDV rao bán nợ trăm tỷ đồng, dự kiến thu 8.000 tỷ đồng năm 2021 - Ảnh 1.

Ngân hàng rao bán nhiều khoản nợ trăm tỷ. Ảnh: BIDV.

Tại phiên họp thường niên 2021, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phan Đức Tú cho biết năm 2020 BIDV thu về 7.000 tỷ đồng từ bán và thu hồi nợ. Năm 2021, ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận 8.000 tỷ đồng từ hoạt động này.

Sau 2 tháng đầu năm, tổng tài sản tăng 2%, tín dụng giảm 0,87%, huy động vốn giảm 2,5%. Chênh lệch thu chi trong 2 tháng đầu năm đạt 7.981 tỷ đồng, tăng 54%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 02 ở mức 1,58%.

Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng lên kế hoạch tăng 10-12%, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến cao hơn 12-15% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không vượt 1,6%.