Bị siết tín dụng, các đại gia Bất động sản Trung Quốc “gánh” khoản nợ hàng trăm tỷ USD

12/04/2021 06:47 congluan.vn

 

Các đại gia nhà đất Trung Quốc đang “dẫn đầu” làn sóng vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp nước này trong 3 tháng đầu năm nay trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ 74,75 tỷ NDT (11,4 tỷ USD) trái phiếu trong nước chỉ trong quý I/2021, cao gấp đôi so với kỷ lục cũ hồi năm ngoái.

Trong khi đó, các khoản vỡ nợ trái phiếu phát hành ở nước ngoài tăng lên gần gấp 3 lần so với năm trước đó, lên mức 3,7 tỷ USD.

Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc của các nhà phát triển đã tăng nhanh chóng trong vài năm qua.

Đầu năm nay, China Fortune Land đã vỡ nợ trái phiếu 1,52 tỷ USD.

Tập đoàn Bất động sản Thiên Tân cũng tuyên bố vỡ nợ gần 10 tỷ NDT.

Trong khi đó, các khoản vay khổng lồ của Tập đoàn China Evergrande Group của Trung Quốc đã làm rúng động thị trường tài chính Trung Quốc một thời và được truyền thông quốc tế gọi bằng cái tên “đơn vị phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới”.

Theo nguồn thạo tin của Bloomberg, Evergrande đang nợ 171 ngân hàng trong nước và 121 tổ chức tài chính khác, với tổng nợ lên tới 129 tỷ USD.

Thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt các quy định nhằm hạn chế rủi ro tài chính trong lĩnh vực bất động sản.

Tháng trước, một số cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản và các rủi ro vỡ nợ ngày càng tăng đối với các nhà đầu tư.

Theo nhận định của các chuyên gia, nhiều khả năng các công ty bất động sản sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất trong chiến dịch giảm nợ của Trung Quốc.

“Các nhà hoạch định chính sách sẽ để cho nhiều công ty vỡ nợ hơn trong năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước địa phương trong lĩnh vực năng lượng và các nhà phát triển bất động sản đã vay nặng lãi quá nhiều”, ông Huang Weiping, một nhà phân tích tại Industrial Securities Co cho biết.

Trong khi đó, các công ty tài chính của các chính quyền địa phương (LGFV) cũng đang chịu áp lực từ phía chính quyền Bắc Kinh.

Một công ty tài chính của các chính quyền địa phương gần đây vừa tuyên bố vỡ nợ với 915 triệu NDT (140 triệu USD).

Các địa phương Trung Quốc thường vay qua công ty tài chính của các chính quyền địa phương để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

                                                                                    Hương Vũ