Âm nặng dòng tiền, Tập đoàn EverLand (EVG) lấy tiền đâu làm loạt dự án nghìn tỷ Crystal Holidays Harbour Vân Đồn?

06/10/2021 11:03 congluan.vn

Crystal Holidays Harbour 3.600 tỷ buộc phải hoàn thành vào tháng 2/2025

Uỷ ban Nhân dân huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định phê duyệt bảng tiến độ tổng thể thực hiện dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Theo đó, dự án 3.600 tỷ đồng này sẽ phải hoàn thành vào tháng 2/2025.

Trong đó, giai đoạn 1 của dự án gồm các thủ tục pháp lý đầu tư và công tác chuẩn bị thi công sẽ được hoàn thành vào ngày 31/12/2021. Giai đoạn 2 của dự án bao gồm thi công xây dựng, nghiệm thu và đưa vào kinh doanh sẽ được thực hiện từ ngày 30/4/2022 đến ngày 30/2/2025.

Dự án được triển khai trên khu đất rộng 26.020m2, quy mô gồm 5 tòa khách sạn và căn hộ lưu trú có chiều cao từ 27 đến 34 tầng và 1 tòa Trung tâm hội nghị quốc tế cao 3 tầng. Vốn đầu tư của dự án là 3.611,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 750 tỷ đồng và số còn lại là vốn huy động.

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần EverLand Vân Đồn - công ty con do Công ty cổ phần Tập đoàn EverLand (mã EVG) sở hữu 60% vốn.

Trước đó, vào tháng 3, EverLand đã hoàn tất chào bán 45 triệu cổ phiếu ra công chúng, trong đó có gần 207 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành dùng để góp vốn cho EverLand Vân Đồn.

Kế đến trong tháng 4, EverLand tiếp tục công bố góp thêm vốn cho EverLand Vân Đồn thông qua việc mua 24/40 triệu cổ phiếu do EverLand Vân Đồn phát hành thêm. Mục đích của các lần bổ sung vốn cho EverLand Vân Đồn nhằm đầu tư dự án nghỉ dưỡng nói trên.

Bên cạnh dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, EverLand còn có kế hoạch đầu tư ba dự án trong năm nay gồm: Crystal Holidays Marina Phú Yên (1.340 tỷ đồng), Tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay (Phú Yên, 786 tỷ đồng), The New City (Châu Đốc, An Giang, EverLand sở hữu 70%). Tổng mức đầu tư cho các dự án này trên 10.000 tỷ đồng.

Để có thêm nguồn lực tài chính triển khai các dự án bất động sản nghìn tỷ, Hội đồng quản trị EverLand đã thông qua kế hoạch phát hành tăng vốn thêm 1.102 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 2.152 tỷ đồng trong năm 2021.

Ngoài ra, tập đoàn còn có kế hoạch phát hành trái phiếu ra thị trường để mở rộng thêm các kênh huy động vốn đầu tư.

Âm nặng dòng tiền, cổ phiếu chịu áp lực pha loãng

Tập đoàn EverLand được thành lập năm 2009 với lĩnh vực kinh doanh ban đầu là cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng công trình như: xi măng, sắt thép, kính, đá ốp lát (tự nhiên, nhân tạo), thiết bị vệ sinh, gạch ceramic, sàn gỗ, sơn, vật liệu chống thấm, vật liệu trang trí...

Từ năm 2016, Tập đoàn này bắt đầu chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Hiện tại, ông Lê Đình Vinh đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn EverLand. Ông Vinh cũng đồng thời là cổ đông lớn nhất tại công ty trực tiếp nắm giữ 26,6 triệu cổ phiếu, tương đương 25,33% vốn. 

Mặc dù có vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh những năm qua của EverLand lại không mấy ấn tượng với lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng mỗi năm dù doanh thu tạo ra hàng trăm tỷ đồng.

Năm 2018, Tập đoàn EverLand ghi nhận lợi nhuận kỷ lục nhưng con số cũng chỉ ở mức 27,1 tỷ đồng.

Sang năm 2019, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này giảm xuống còn 18,2 tỷ đồng và nhích nhẹ lên 19,4 tỷ đồng vào năm 2020.

Đáng chú ý, năm 2020 Everland đạt doanh thu kỷ lục với 768 tỷ đồng tức là biên lãi ròng của tập đoàn chỉ vỏn vẹn 2,5%.

am nang dong tien tap doan everland evg lay tien dau lam loat du an nghin ty crystal holidays harbour van don hinh 2

6 tháng đầu năm 2021, EverLand ghi nhận doanh thu thuần 516 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 11,2 tỷ đồng, tương ứng tăng mạnh 32% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm lại âm đến 363 tỷ đồng tức là tập đoàn không thu được tiền dù kinh doanh có lãi.

Nguyên nhân dẫn đến dòng tiền kinh doanh âm chủ yếu do các khoản phải thu “phình to”.

Thời điểm cuối tháng 6/2021, các khoản phải thu ngắn hạn của EverLand đã tăng gấp 3,7 lần đầu kỳ lên đến gần 1.079 tỷ đồng.

Phải thu chiếm đến quá nửa tổng tài sản (1.970 tỷ đồng) phần nào cho thấy sự hạn chế trong khả năng thu hồi công nợ của công ty.

Sự thiếu hụt về dòng tiền đã được EverLand giải quyết bằng việc phát hành thêm để huy động vốn từ cổ đông như đã nêu trên.

Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu EVG liên tục bị pha loãng và nếu kết quả kinh doanh không có sự tăng trưởng tương xứng với tốc độ tăng vốn, lợi ích của cổ đông công ty sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Minh Nhật