42% ngân hàng xây dựng chiến lược chuyển đổi số

26/03/2021 09:46 daidoanket.vn

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố một kết quả khảo sát tại các ngân hàng thương mại cho thấy số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm từ 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.

Tuy nhiên, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức đòi hỏi thay đổi về thể chế, vốn đầu tư lớn, về nguồn nhân lực ngân hàng có đầy đủ kiến thức và năng lực để nắm bắt các công nghệ mới và các kỹ năng mới trong hoạt động ngân hàng - tài chính thời kỳ số hóa, về năng lực kiểm soát, xử lý được những rủi ro mới một cách hiệu quả, cũng như cả vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính.

Trong khi đó, theo khảo sát của Công ty Kiểm toán quốc tế (EY), có 42% ngân hàng Việt Nam đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 28% ngân hàng đã và đang thực hiện triển khai Chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh; 11% ngân hàng đã phê duyệt và đang triển khai Chiến lược chuyển đổi số riêng.

Ngoài ra các ngân hàng còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ. Cụ thể, 73% ngân hàng quy trình hoạt động liên tục; 47,6% hệ thống quản lý quan hệ khách hàng; 42,8% chữ ký điện tử, chữ ký số nội bộ. 70% các TCTD có mức độ sẵn sàng triển khai từ mức trung bình trở lên với các công nghệ: công nghệ thiết bị di động, kết nối dữ liệu mở theo giao diện chương trình ứng dụng; phân tích dữ liệu, chuẩn hóa tin điện theo chuẩn tin điện tử tài chính quốc tế ISO 20022, công nghệ hỗ trợ khách hàng (chatbot, trợ lý ảo…) trong đó phân tích dữ liệu là công nghệ được ứng dụng rộng rãi nhất trong nghiệp vụ TCTD (trên 53% các TCTD)

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hùng - Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát (ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia), việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam đang gặp một số hạn chế, khó khăn như khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số còn chậm được ban hành, mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như về chứng thực chữ ký số; xác định danh tính khách hàng; Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính; bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng.

Vẫn theo ông Hùng, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về định danh khách hàng trực tuyến có giới hạn; Hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số; Chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng; Quy trình nghiệp vụ giao dịch điện tử qua ngân hàng, giám sát hoạt động ngân hàng số.

Cùng đó, các ngân hàng thương mại cần nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi ngân hàng số, phân bổ nguồn lực phù hợp cho đầu tư công nghệ mới. Đẩy mạnh quá trình số hóa ngân hàng và phát triển ngân hàng số thuần túy.