3 quy tắc quản lý tài chính giúp bạn càng tiêu nhiều càng kiếm được nhiều

08/05/2021 07:43 toquoc.vn

Hầu hết mọi người không giàu lên được đơn giản vì họ không có kiến thức về quản lý tài chính để nhận ra và nắm bắt những cơ hội kiếm tiền ngay trước mắt.

Có người từng nói: Tiền kiếm được thì khó chứ tiêu thì chẳng mấy chốc mà hết. Để có một gia tài lớn, việc kiếm tiền và tiết kiệm tiền luôn phải đi đôi với nhau. Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo?

Câu trả lời nằm ở cách bạn quản lý dòng tiền ra vào. Thực tế, vấn đề không nằm ở việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền và làm thế nào để “tiền đẻ ra tiền”.

Học cách quản lý tài chính chính là quản lý cuộc sống của bạn. Robert Kiyosaki, nhà đầu tư, doanh nhân đồng thời là một tác giả nổi nổi tiếng bởi cuốn sách Rich Dad, Poor Da (Cha giàu, Cha nghèo) từng nói: “Lý do chính mà nhiều người chật vật về tài chính là vì họ mất nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường mà không học gì về tiền bạc. Kết quả là nhiều người học để đi làm vì tiền nhưng không bao giờ học cách khiến tiền làm việc cho họ”.

Chúng ta phải làm gì để thay đổi "số phận" tiền bạc của bản thân mình? Người giàu đã làm giàu như thế nào từ hai bàn tay trắng? Để có thể quản lý tiền bạc hiệu quả, trở nên giàu có và thành công, bạn cần nắm vững 3 nguyên tắc dưới đây.

Tiết kiệm trước, đầu tư sau

Nhiều người cho rằng, đầu tư mới là cách để tiền đẻ ra tiền, nếu chỉ chăm chăm tiết kiệm sẽ không thể khá lên được. Tuy nhiên, thực tế một trong những điều kiện tiên quyết để đầu tư là vốn. Không có tiền, muốn làm gì cũng khó.

Định nghĩa đầu tư hiểu đơn giản là sử dụng tiền nhàn rỗi mua tài sản với hy vọng nó sẽ sinh lời trong dài hạn. Tiền nhàn rỗi không tự nhiên mà có, đây là khoản tiền chúng ta tích góp theo năm tháng. Do đó, trước khi nghĩ đến việc đầu tư cái gì, hãy nghĩ cách tiết kiệm tiền để làm vốn cho tương lai.

Khi bắt đầu tiết kiệm, hãy bắt đầu với 5-10% thu nhập hàng tháng. Ví dụ, nếu bạn kiếm 10 triệu/tháng, hãy để ra từ 500.000 -1.000.000 đồng tiết kiệm. Lưu ý, đừng đợi đến cuối tháng mới bắt đầu tiết kiệm. Hãy tiết kiệm ngay khi nhận được lương.

Lập kế hoạch tài chính, chi tiêu hàng tháng

 

Ai cũng học để kiếm tiền nhưng ít người học cách khiến tiền đẻ ra tiền: 3 quy tắc quản lý tài chính giúp bạn càng tiêu nhiều càng kiếm được nhiều - Ảnh 1.
 

Nếu bạn không có thói quen lập kế hoạch tài chính, chi tiêu hàng tháng, hãy bắt đầu thực hiện ngay từ bây giờ. Một kế hoạch tài chính chi tiết rõ ràng sẽ giúp bạn kiểm soát tốt dòng tiền ra và vào. Đồng thời, việc ghi lại chi tiêu hàng tháng còn giúp chúng ta phân tích hành vi tiêu dùng trong quá khứ, hướng dẫn tiêu dùng trong tương lai.

Trong kế hoạch chi tiêu, hãy chia nhỏ thu nhập của bạn thành 3 danh mục, với tỷ lệ phần trăm lần lượt là 50/30/20. Cụ thể:

- Không quá 50% thu nhập cho nhu cầu thiếu yếu trong cuộc sống. Đây là những chi phí cố định trong cuộc sống và công việc, như tiền thuê nhà, điện nước, tiền ăn, chi phí đi lại…

- 30% thu nhập cho những thứ bạn muốn như mua sắm, du lịch, hoạt động vui chơi giải trí… Danh mục này đảm bảo bạn vẫn có thể tận hưởng cuộc sống song vẫn có một khoản tiết kiệm cho riêng mình. Tất nhiên, mong muốn của mỗi người ở mỗi thời điểm là khác nhau. Nếu phần trăm thu nhập bạn dành cho danh mục này càng nhỏ, số tiền bạn tiết kiệm càng lớn.

- 20% thu nhập còn lại cho mục tiêu tài chính như tiết kiệm, trả nợ, đầu tư. Sau khi trừ đi các khoản sinh hoạt phí, số tiền còn lại bạn có thể dùng để đầu tư. Đừng coi thường số tiền nhỏ này, thực tế chúng ta giàu lên chính là nhờ 20% số tiền tích lũy này.

Để giàu có bạn phải mua tài sản , thay vì tiêu sản

Tài sản là những thứ sẽ tạo ra lợi nhuận cho bạn, làm cho thu nhập của bạn tăng lên, ví dụ như các chứng khoán sinh lãi, các bất động sản cho thuê, các hàng hóa kinh doanh có lời… Tiêu sản là những thứ chỉ làm tăng chi phí cho bạn.

Người nghèo và giới trung lưu thường mua những thứ xa xỉ vì họ muốn trông có vẻ giàu có. Trông họ có vẻ giàu có thật, nhưng thực sự họ giàu thật hay đang nợ ngập đầu thì không ai biết. Những người giàu thường xây cột tài sản của họ trước tiên. Sau đó họ sẽ dùng thu nhập phát sinh từ cột tài sản để mua những thứ xa xỉ phẩm.

Theo Aboluowang