3 kịch bản của giá vàng trong năm 2021

16/02/2021 06:09 vtcnew.vn

Cụ thể, ở kịch bản tích cực nhất, vàng thế giới ghi nhận mức 2.300 USD. Ở kịch bản trung bình, giá vàng sẽ dao động quanh mốc 2.000 USD và ở kịch bản tiêu cực, giá vàng sẽ giảm về 1.750 USD.

Giá vàng trong nước, theo các chuyên gia cũng sẽ tăng theo xu hướng của giá vàng thế giới.

Giá vàng trong nước vừa trải qua năm 2020 biến động mạnh theo xu hướng đi lên với mức tăng cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Đáng chú ý, vào thời điểm tháng 8, giá tăng đột biến, có ngày tới 2-3 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, ngày 7/8/2020, giá vàng chạm mức cao nhất trong lịch sử là 62,4 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá kim loại quý thế giới vượt mốc 2.000 USD/ounce, lên mức 2.077 USD/ounce.

Sau khi lập mức đỉnh trên, giá kim loại quý sụt giảm mạnh xuống 57,7 triệu đồng/lượng và xoay quanh mốc 56,5 triệu đồng/lượng. Những tháng cuối năm 2020, sự lạc quan về sản xuất thành công vaccine ngừa COVID-19 đã kéo giá vàng thế giới đi xuống, giá kim loại quý trong nước ở mốc 56 triệu đồng/lượng.

3 kịch bản của giá vàng trong năm 2021 - 1

 Giá vàng diễn biến thế nào trong năm 2021?

Tính chung cả năm 2020, giá vàng trong nước tăng khoảng 13,6 triệu đồng/lượng so với đầu năm, tương đương mức tăng 31,5%.

Sang năm 2021, theo các chuyên gia, giá vàng vẫn còn nhiều thuận lợi để tiếp tục tăng.

Đối với giá vàng thế giới, theo các chuyên gia tại VietnamGold, lãi suất thấp là môi trường tốt với đà tăng giá của vàng. Cuối năm 2020, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp gần 0% đến 2023. Với điều kiện này, giá vàng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc nắm giữ không mất chi phí.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhấn mạnh mức lạm phát kỳ vọng sẽ đạt trên 2% trong giai đoạn tới với dự báo đưa ra là 1,2% năm 2020; 1,8% năm 2021; và 2-2,2% vào năm 2023. Như vậy, kỳ vọng lãi suất thực sẽ ở mức âm trong ít nhất 3 năm tới, và có xu hướng thấp dần theo thời gian khi lãi suất điều hành không đổi nhưng lạm phát kỳ vọng tăng lên.

Do đó, 2021 được dự báo vẫn là năm rất tốt cho việc nắm giữ vàng. Mức lãi suất thực âm có thể thúc đẩy nhu cầu vào kim loại quý tăng mạnh mẽ trong năm nay.

Dưới góc độ kỹ thuật, việc giá vàng giá đóng cửa năm 2020 sát mốc 1.900 USD/ounce cũng là tín hiệu tích cực với các nhà đầu tư. Nếu duy trì được đà tăng giá và giữ được mốc trên 1.900 USD trong tháng 1, vàng sẽ có cơ hội để chinh phục mốc cao mới trong quý I/2021 hoặc quý II/2021.

Tuy nhiên, xu hướng giá vàng sẽ yếu hơn vào quý III và IV khi nền kinh tế dự báo phục hồi tốt. Nếu kim quý chưa thể vượt trên 1.960-2.000 USD, giá sẽ đứng trước nguy cơ giảm sâu về 1.750 USD hoặc 1.700 USD trước khi tìm được động lực tăng mới. Nếu điều này xảy ra, xu hướng tăng của giá vàng có khả năng phải chờ đến năm 2022.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng nhìn nhận, trong bối cảnh phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và nhiều nước tung ra gói hỗ trợ nền kinh tế có thể gây ra lạm phát, giá vàng có thể đi lên trong năm 2021, nhưng mức tăng sẽ không quá mạnh. Giá vàng thế giới có thể chạm mức khoảng 2.000 USD/ounce. Còn giá vàng trong nước có thể lên mức 58-60 triệu đồng/lượng.

Trả lời báo chí, chuyên gia tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, giá vàng có chiều hướng đi lên nhưng sẽ khó vượt mức kỷ lục 2.077 USD/ounce đã thiết lập trong năm 2020.

Dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng hầu hết các quốc gia đã quen và thích nghi với tình hình mới, vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất. Năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh được dự báo sẽ tốt hơn năm 2020. Hơn nữa, nhiều nước đang sản xuất vắc xin và bắt đầu tiêm phòng nên kỳ vọng đến nửa cuối năm 2021, dịch COVID-19 có thể được kiềm chế. Đây là cơ sở để nền kinh tế thế giới phục hồi”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh lý giải.