25 triệu dân Myanmar nguy cơ rơi vào nghèo đói năm 2022

01/05/2021 06:43 vtcnew.vn

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo, tác động kép của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng chính trị hậu đảo chính ở Myanmar có thể khiến gần một nửa dân số - tương đương 25 triệu người, rơi vào cảnh nghèo đói vào năm 2022.

Theo báo cáo công bố hôm 30/4, UNDP cho biết ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng có thể đẩy hàng triệu người Myanmar vào cảnh nghèo đói. "COVID-19 và cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra là những cú sốc đẩy dân Myanmar ngày càng lún sâu vào nghèo đói", Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương, Kanni Wignaraja, cho hay.

25 triệu dân Myanmar nguy cơ rơi vào nghèo đói năm 2022 - 1

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho biết 25 triệu dân Myanmar có nguy cơ rơi vào nghèo đói năm 2022. (Ảnh: Yahoo)

“Những thành tựu phát triển đạt được trong một thập kỷ chuyển đổi dân chủ đang bị xóa bỏ”, Kanni Wignaraja cho biết thêm.

Nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho thấy, cuối năm ngoái, trung bình 83% hộ gia đình cho biết thu nhập bị giảm gần một nửa do đại dịch COVID-19.

Số người sống dưới mức nghèo đói ở Myanmar ước tính tăng 11% do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cũng cho biết, bất ổn chính trị cũng như các mối đe dọa đối với nhân quyền và sự phát triển ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2, có thể khiến tỷ lệ nghèo đói tăng thêm 12% vào đầu năm tới.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, phụ nữ và trẻ em phải hứng chịu ảnh hướng lớn nhất trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar.

"Một nửa số trẻ em ở Myanmar có thể sống trong cảnh nghèo đói trong vòng một năm", Wignaraja nói.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cũng cho biết, tỷ lệ nghèo ở đô thị dự kiến sẽ tăng gấp ba lần.

Trong khi bất ổn về an ninh đang phá vỡ chuỗi cung ứng dịch vụ và hàng hóa, đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng vẫn bị tê liệt và giá nhập khẩu, năng lượng tăng.

"Như Tổng thư ký Liên hợp quốc đã tuyên bố, quy mô của cuộc khủng hoảng ở Myanmar đòi hỏi một phản ứng quốc tế khẩn cấp và thống nhất”, bà Wignaraja cho hay.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aug San Suu Kyi và lãnh đạo chính phủ được bầu.

Biểu tình liên tục xảy ra từ sau đảo chính.

Đến nay, hơn 750 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình.