240 chủ tàu tại Quảng Ninh bên bờ phá sản xin giãn nợ

16/06/2021 10:27 toquoc.vn

Ngày 15/6, tại đối thoại cùng các chủ tàu để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp làm du lịch trên vịnh Hạ Long, ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cho biết, theo thống kê của các ngân hàng, tính đến hết tháng 5/2021, đã có 22 ngân hàng thương mại cho 240 khách hàng là các chủ tàu, chủ doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch vay vốn với số tiền lên đến 1.876 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.670 tỷ đồng.

Trước đó, Chi hội tàu du lịch Hạ Long đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động tàu du lịch đã gửi đơn cầu cứu đến Thủ tướng.

Trong văn bản, đại diện, các đơn vị này trình bày khó khăn do nhiều lần đóng cửa từ năm ngoái đến nay.

Văn bản nêu rõ: "Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên khó khăn, dẫn đến nguy cơ phá sản".

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Quảng Ninh cho biết, ngày 12/6, Chi hội tàu du lịch Hạ Long đã họp với các hội viên để rà soát những khó khăn, vướng mắc và thống nhất kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết một số đề xuất của các chủ tàu, chủ doanh nghiệp, trong đó đề xuất xin được cơ cấu toàn bộ các món vay (kể cả các món vay để hoàn thiện tàu đóng mới dở dang giải ngân sau ngày 23/01/2020) trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra.

Kể từ thời điểm Chính phủ tuyên bố hết dịch sẽ tiếp tục được cơ cấu thêm 3 năm nữa và được gia hạn hợp đồng tín dụng thêm 3 năm so với hợp đồng ban đầu, gốc và lãi sau cơ cấu sẽ được chuyển trả đều hoặc sẽ được trả theo hình thức lũy tiến tăng dần theo tình hình phục hồi hoạt động thực tế sau khi hết dịch vào 3 năm gia hạn hợp đồng tín dụng đó.

Ông Đào Mạnh Lượng phân tích: "Hiện nay, chính sách hỗ trợ giãn nợ chỉ áp dụng từ 3 tháng đến 12 tháng thì doanh nghiệp không thể có đủ khoảng thời gian cần thiết để khôi phục hoạt động vì chưa có nguồn thu để có thể trả nợ.

Hơn nữa, chính sách hỗ trợ hiện nay yêu cầu dồn các kỳ giãn nợ vào một kỳ cuối phải trả hết thì càng gây khó cho doanh nghiệp, vì khi đó chắc chắn doanh nghiệp không thể có đủ nguồn tài chính để trả tất cả nợ gốc cùng lãi vay như vậy được".

Bên cạnh đó, Chi hội cũng đề xuất Ngân hàng Chính sách ban hành chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp bởi sau thời gian chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt.

Đồng thời, Chi hội đề nghị các ngân hàng cho các doanh nghiệp đang có dự án đóng tàu dở dang được hưởng chính sách ưu đãi của Ngân hàng; chuyển đổi khoản vay ngắn hạn thành khoản vay trung hạn; giữ nguyên nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không chuyển nhóm doanh nghiệp thành nợ xấu do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chi hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan có chính sách nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội từ 3 - 5 năm sau thời gian chấm dứt dịch Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn thu để đóng thuế và hồi phục, phát triển.

Cuối cùng, ông Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh, thời gian tới sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp và hộ cá thể kinh doanh tàu du lịch Hạ Long, trong thời gian sớm nhất có thể.