2 tháng, giá thép điều chỉnh tăng 3 lần

23/02/2022 06:21 congluan.vn

Giá thép lại tăng

Mới đây nhất, vào giữa tháng 2, Công ty Cổ phần thép Thái Nguyên thông báo mỗi tấn thép cuộn CB240 tăng thêm 250.000 - 300.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1/2022, lên 17,3 - 17,4 triệu đồng/tấn, tùy thuộc vào phương án thanh toán.

Trong khi đó, một số loại thép của Hòa Phát cũng điều chỉnh tăng thêm 600.000 - 800.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1. Cụ thể, thép loại D10 phổ biến ở mức 17,15 triệu đồng một tấn; loại thép cuộn D12 cũng tăng lên 16,75 triệu đồng.

Tương tự, Công ty Thép Hoà Phát Hưng Yên, Thép Việt Đức hay Thép Vinausteel... cũng điều chỉnh giá bán thép cuộn xây dựng từ giữa tháng 2.

Như vậy, giá thép trong nước lại một lần nữa tăng rất mạnh, sau nửa năm hạ nhiệt.

Nếu so với mức “đỉnh” vào tháng 5 năm ngoái, với ngưỡng 18,3 triệu đồng/tấn, giá thép trong nước chỉ còn kém khoảng 700.000 - 800.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên, theo dự báo, giá thép trong nước nhiều khả năng vẫn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, giá nguyên liệu từ quặng sắt, than Coke, thép phế liệu… tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã khiến giá phôi tăng mạnh.

Theo đó, giá phôi thép giao dịch cảng Đông Nam Á tăng 39-40 USD/tấn lên mức 660 USD/tấn vào cuối tháng 01/2022; đến ngày 10/2/2022 ở mức 696 USD/T CFR Đông Á, tăng khoảng 70 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 01/2022.

Ở thị trường trong nước, giá phôi thép nội địa tháng 1/2022 tăng khoảng 400-600 đồng/kg, giữ giá ở mức từ 14,8-15,8 nghìn đồng/kg cuối tháng 01/2021.

Giá quặng sắt cũng giao dịch ở mức 149,7-150,2 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 24 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 01/2022.

Còn giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 555 USD/tấn CFR Đông Á ngày 10/2/2022 tăng 40-45 USD/tấn so với hồi đầu tháng 1/2022.

Giá than mỡ luyện cốc tăng cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép tăng. Đơn cử, xuất khẩu tại cảng Australia ngày 10/2/2022 giao dịch ở mức 391,75 USD/tấn FOB, tăng mạnh 55,75 USD so với đầu tháng 01/2022. 

Xuất khẩu thép tăng kỷ lục

Năm ngoái, giá thép trong nước tăng quá cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản trong nước.

Rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng, nhà thầu đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ để tìm ra giải pháp “kìm cương” giá thép.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước hạn chế xuất khẩu, để ổn định tình hình giá thép.

Điều này đã giúp giá thép hạ nhiệt một phần.

Tuy nhiên, thực tế, kim ngạch xuất khẩu thép trong năm 2021 tăng kỷ lục.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại đạt 11,748 tỷ USD, tăng 123,4% và nhập khẩu đạt 11,5 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, ngành thép xuất siêu 248 triệu USD.

Trong khi đó, lượng tiêu thụ thép trong nước lại giảm trong năm 2021. Tính chung cả năm 2021, thép xây dựng tiêu thụ giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu tính riêng lượng tiêu thụ trong nước năm 2021, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020.

VSA giải thích: Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khi nhiều tỉnh thành phố trong cả nước khi các công trình giãn tiến độ do tốc độ giải ngân nguồn vốn chậm, diễn biến dịch phức tạp. 

Tuy vậy, năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép Việt Nam và toàn cầu.

Trong bối cảnh các Hiệp định thương mại, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cung ứng toàn cầu, đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó có ngành thép Việt Nam.