16.000 doanh nghiệp sử dụng giải pháp chuyển đổi số Việt Nam

25/03/2022 07:04 Bảo Linh

Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết hoạt động của chương trình hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEdx) trong năm 2021.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các giải pháp đẩy mạnh chương trình giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp tiếp cận nền tảng chuyển đổi số, trong đó có 16.000 doanh nghiệp sử dụng các giải pháp.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, nền tảng số là yếu tố cơ bản để biến các công nghệ thành dịch vụ.

Nếu tận dụng được lợi thế về quy mô, doanh nghiệp có thể coi công nghệ như đầu vào của quá trình sản xuất, giống như điện và nước.

"Nền tảng số là giải pháp đột phá để phổ biến công nghệ số trở thành dịch vụ, biến công nghệ số thành như điện, nước, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Từ đó, công nghệ số trở thành một trong những yếu tố đầu vào cho sản xuất", ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông giao chủ trì triển khai chương trình SMEdx, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Vì quy mô nhỏ nên doanh nghiệp thường phải phụ thuộc vào trung gian nhiều, và nền tảng số có thể giúp loại bỏ các khâu trung gian.

Năm 2021, chương trình SMEdx chọn được 23 nền tảng số “Make in Vietnam” tốt nhất của 22 doanh nghiệp để công bố, giới thiệu tới các doanh nghiệp qua Cổng thông tin Smedx.vn. Đã có 37.000 doanh nghiệp tiếp cận chương trình qua hình thức này.

Thông qua cổng thông tin và hình thức SMS brandname, chương trình cũng tiếp cận được 170.000 doanh nghiệp tại 39 địa phương.

Khi lựa chọn nền tảng trong chương trình để chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ được miễn phí 6 tháng sử dụng đầu tiên.

Nếu ký hợp đồng 1 năm tiếp theo, doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ 6 tháng phí sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong năm 2022 sẽ tiếp tục lựa chọn các nền tảng số xuất sắc để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cơ quan này đặt mục tiêu có 30 nền tảng số Make in Vietnam tham gia, 30.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng để chuyển đổi số.

Các giải pháp để đẩy mạnh chương trình năm 2022 có thể kể đến như mở rộng ra 63 địa phương, tạo mạng lưới công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ tới từng xã khi triển khai, hay đưa ra bộ chỉ số về chuyển đổi số để doanh nghiệp tự đánh giá.

Năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến đánh giá mức độ chuyển đổi số của 100.000 doanh nghiệp trên toàn quốc dựa theo bộ công cụ DBI.

Kết quả đánh giá là cơ sở để hoàn thiện các chương trình hành động cụ thể, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.