“Sóng ngầm” đẩy tỷ giá

03/04/2021 15:55 toquoc.vn

Tuy nhiên, nếu tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng theo đà tăng của USD trên thị trường thế giới, sẽ gây sức ép tăng tỷ giá thị trường.

“Sóng ngầm” đẩy tỷ giá - Ảnh 1.

Tỷ giá trung tâm liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Nguồn: NHNN

Tỷ giá trung tâm dậy sóng

Sau chuỗi ngày khá bình lặng đầu năm, tỷ giá trung tâm đột ngột "nổi sóng" trong thời gian gần đây. Trong phiên giao dịch cuối tháng 3, tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng 7 đồng lên 23.244 đồng/USD - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tỷ giá trung tâm phụ thuộc khá lớn vào sự biến động của đồng USD trên thị trường thế giới, vì USD chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ 8 đồng tiền (USD, EUR, CNY, JPY, SGD, KRW, THB và TWD).

Trong khi USD cũng liên tục có xu hướng tăng do các nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu nhờ các gói kích thích khổng lồ và chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Riêng trong tháng 3 vừa qua, USD index đã tăng tới 2,7% lên gần 94 điểm, mức tăng mạnh nhất hàng tháng kể từ năm 2016.

Tuy nhiên, tỷ giá trung tâm được tính dựa trên rổ 8 đồng tiền, chứ không riêng gì USD. Việc đồng USD tăng giá mạnh cũng khiến các đồng tiền này giảm giá, từ đó làm dịu bớt mức độ mất giá của VND.

Sức ép tiềm ẩn

Việc tỷ giá trung tâm "nổi sóng" không khỏi khiến niều doanh nghiệp lo ngại do đây là công cụ điều hành tỷ giá thị trường của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên diễn biến tỷ giá thị trường thời gian qua đã xua đi phần nào nỗi lo này khi mà giá mua - bán đồng USD tại các ngân hàng vẫn khá ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2020.

Chẳng hạn hiện giá bán ra USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 23.170 đồng/USD, đều thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2020 khoảng 20 đồng/USD.

“Sóng ngầm” đẩy tỷ giá - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước đang thận trọng hơn với việc mua vào ngoại tệ

Theo giới chuyên gia, lý do khiến tỷ giá tại các nhà băng ngược chiều với tỷ giá trung tâm do hiện nguồn cung ngoại tệ trong nước rất dồi dào. "Những năm trước đây, khi lượng ngoại tệ trên thị trường dồi dào, Ngân hàng Nhà nước thường mua vào để tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên sau khi bị Bộ Tài chính Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn với việc mua vào ngoại tệ, khiến phần lớn lượng ngoại tệ chuyển về nước vẫn đọng lại thị trường", một chuyên gia cho biết.

Mặc dù tỷ giá trung tâm tăng trong thời gian qua chưa ảnh hưởng đến thị trường, nhưng nếu tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng theo đà tăng của đồng USD thế giới, tỷ giá thị trường chắc chắn cũng sẽ tăng theo.

Bởi vì, giá mua - bán ngoại tệ của các ngân hàng hiện chỉ được phép dao động trong biên độ +/-3% so với tỷ giá trung tâm nên khi tỷ giá trung tâm tăng tới một mức độ nào đó sẽ đẩy tỷ giá thị trường tăng.