'Sell in May' 2021: Dòng tiền sẽ ra đi hay ở lại? 

03/05/2021 11:15 congluan.vn

 

Trên thị trường chứng khoán, tháng 5 luôn được coi là tháng Sell in May (bán trong tháng) nhưng theo lịch sử thống kê thì không phải tháng 5 nào cũng là tháng bị bán, ngược lại có những tháng 5 đã từng tăng rất mạnh.

Tuy nhiên trong bối cảnh là sóng dịch Covid-19 tiếp tục nóng lên và giá xăng dầu tăng mạnh thì mọi dự báo về xu hướng thị trường trong tháng 5/2021 trở nên khó "kiểm soát"… 

Trong báo cáo mới được công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect đã đưa ra nhận định không mấy lạc quan về xu hướng thị trường chứng khoán trong tháng Sell in May khi rủi ro đang dần tăng lên mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ 4 yếu tố.

Thứ nhất, tình hình dịch Covid -19 trong khu vực Đông Nam Á diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam khi nguy cơ xâm nhập từ các nước láng giềng Campuchia và Lào.

Nếu dịch bùng phát trở lại sẽ ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi kinh tế.

Thứ hai, nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong quý 2/2021 do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước buộc Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thận trọng hơn trong việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do đó, VNDirect dự báo lạm phát bình quân quý 2/2021 có thể chạm ngưỡng 4-5% do giá xăng dầu trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, thị trường chứng khoán dần bước vào vùng trống thông tin (không có nhiều thông tin hỗ trợ) sau khi hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.

Thứ tư, margin (cho vay) đang ở mức cao, một số công ty chứng khoán đã vượt trần cho vay ký quỹ khi tính đến ngày 31/3 hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng - là mức cao kỷ lục của chứng khoán Việt Nam.

“Margin cao tiềm ẩn rủi ro lớn khi thị trường điều chỉnh”, VNDirect nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, "Sell in May and go away" (bán ra vào tháng 5 và tạm rời khỏi thị trường) là lựa chọn đang được ưa tiên của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư, VNDirect nhận định. 

Với cái nhìn lạc quan về lịch sử thị trường tháng 5, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong mùa đại hội cổ đông năm nay nhiều doanh nghiệp thông tin về kế hoạch tăng vốn điều lệ, đưa ra chính sách chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu khá hậu hĩnh.

Yếu tố này cũng có thể thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ hoặc mua vào các mã cổ phiếu chia cổ tức cao để hưởng lợi.

Cùng với đó, theo các khảo sát cho thấy, so với diễn biến trên thực tế thì “Sell in May” không hẳn đã phản ánh đúng với thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Cụ thể, trong 15 năm tính từ 2006 đến 2020, chỉ số VN-Index có 8 năm giảm điểm trong tháng 5 và 7 năm tăng điểm trong tháng này, “tỉ số” 8-7 nghiêng nhẹ về giảm điểm.

Còn với chỉ số HNX-Index, tính từ 2007 đến 2020 “tỉ số” đang là hòa 7-7.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ hơn 400 tỷ đồng trong tháng 4 vừa qua trong khi trước đó, khối này đã có tới 6 tháng liên tiếp bán ròng.

Thậm chí vào tháng 3, khối này còn bán ra mạnh tới hơn 12.000 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Ngoài ra, dòng tiền trên thị trường tính đến trước thềm tháng "Sell in May" đã có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng gia tăng mạnh về thanh khoản.  

Theo thống kê của tháng 3/2021 trên Sàn Giao dịch Chứng khoáng Thành phố Hồ Chí Minh tổng thanh khoản đạt 319.077 tỷ đồng - bình quân mỗi phiên đạt hơn 13.872 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2021, tổng thanh khoản trên sàn này đã tăng lên mức 337.693 tỷ đồng - bình quân mỗi phiên đạt thanh khoản hơn 16.880 tỷ đồng.

Với xu hướng tích cực này, dòng tiền được kỳ vọng sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Trong đó, dòng tiền chủ yếu (trên 80%) đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, tạo ra thanh khoản mỗi phiên thời gian gần đây tăng gấp 3-4 lần so với mức thanh khoản của những năm trước.

Chính vì thế những yếu tố kể trên được kỳ vọng sẽ giúp hóa giải “lời nguyền” tháng "Sell in May" trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 này,  Yuanta Việt Nam nhận định.  

Khánh Linh