'Lỗ hổng' xã hội hoá từ vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai

25/04/2021 07:21 congluan.vn

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ra kết luận điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố ông Quốc Anh với khung hình phạt tù từ 10 đến 15 năm, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đánh giá một số nguyên nhân và điều kiện xảy ra tội phạm trong việc nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra xã hội hóa các dịch vụ công nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng là một chủ trương, chính sách đang dẫn của Đảng và Nhà nước, góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội trong bối cảnh ngân sách còn nhiều eo hẹp, để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng và đòi hỏi ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân cũng như đòi hỏi tất yếu trong việc tiếp cận thành tựu y khoa thế giới của đội ngũ y bác sỹ.

Ngay từ năm 2007, sau khi có Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Thông tư 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai nhiều đề án xã hội hóa liên doanh, liên kết lắp đặt các thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật mới, giúp cho người bệnh trong cả nước được chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh lý phức tạp với chi phí thấp hơn chi phí khám, chữa bệnh ở nước ngoài.

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, quá trình triển khai một số đề án liền doanh, liên kết lắp đặt thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai còn bộc lộ những hạn chế, vi phạm khuyết điểm, thậm chí phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc triển khai đề án liên doanh, liên kết với Công ty BMS. 

Cũng theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, một số nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm trên, do đề án được triển khai thời điểm Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện có hiệu lực, các quy trình, quy định của pháp luật chủ yếu căn cú vào Nghị định 43/2006, Thông tư 15/2007 còn chưa chặt chẽ, quy định còn thiếu cụ thể.

Trong quá trình áp dụng có nhiều cách vận dụng khác nhau, dẫn đến vi phạm trong việc lập các thủ tục trái quy định, như: quy định về chủ trương thống nhất của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công đoàn bệnh viện không được hướng dẫn bằng văn bản cụ thể nào.

Tại Bệnh viện Bạch Mai đang hiểu là thông qua Hội đồng khoa học và Đạo đức thì có đủ các thành phần, đã bỏ qua các thủ tục theo quy định như đề xuất lắp đặt, văn bản thống nhất chủ trương Đảng ủy - Ban Giám đốc Công đoàn, quyết định phê duyệt để án, phê duyệt đối tác đặt máy ..... không quy định cụ thể trách nhiệm của bệnh viện hay đối tác phải thẩm định giá thiết bị đưa vào liên doanh, liên kết dẫn đến có sự thông đồng, cấu kết giữa Công ty BMS - Bệnh viện Bạch Mai và Công ty VFS để hợp thức chứng thứ thẩm định giá...

Thực tế quá trình đầu tư nhập khẩu hệ thống robot, Công ty BMS còn phải chi phí thêm các khoản chi phí chuyển giao công nghệ, tập huấn, đào tạo bác sỹ.. chưa tính các khoản lợi nhuận, dự phòng rủi ro.

Các chi phí này trên thực tế là có thật, được xem là hợp lý nếu đối tác đặt máy nói chung và Công ty BMS có đầy đủ chứng từ, để được tính vào giá thiết bị hoặc đưa vào cơ cấu giá dịch vụ theo đúng quy định.

Tuy nhiên, thực tế do chi phí là dự kiến trong vòng đời của thiết bị, chi phí đã thanh toán thì không có chứng từ nên Công ty BMS phải che dấu, xóa giá nhập trên tờ khai hải quan và hợp đồng ngoại (100% các đề án tại Bệnh viện Bạch Mai, phía đối tác đều cung cấp hồ sơ nhập khẩu nhưng không thể hiện giá thiết bị).

Về phía Bệnh viện Bạch Mai thông đồng với Công ty BMS, không kiểm tra đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Dẫn đến Công ty BMS thỏa thuận, cấu kết với đơn vị thẩm định giá là Công ty VPS hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá, Bệnh viện Bạch Mai bỏ qua các hồ sơ, thủ tục khác làm căn cứ xác định nguyên giá theo quy định của Thông tư 45/2013/TT-BTC.

Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế công lập hạng đặc biệt, áp lực đổi mới, kỳ vọng của người bệnh của gia đình là rất lớn.

Nguyễn Quốc Anh đã chỉ đạo thành lập các khoa ngoại chuyên sâu nhằm phát triển toàn diện, thu hút bệnh nhân, tăng nguồn thu cho bệnh viện và thu nhập của đội ngũ y bác sỹ.

Do vậy, Nguyễn Quốc Anh đã nóng vội, quyết liệt thống nhất với Phạm Đức Tuấn, Công ty BMS lắp đặt robot hỗ trợ phẩu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đồng thời chỉ đạo, yêu cầu Nguyễn Ngọc Hiền và Phòng chính kế toán thực hiện các thủ tục để ký kết, đưa thiết bị vào triển khai đúng dịp 27/02/2017 (Ngay Thầy thuốc Việt Nam), bỏ qua các quy trình, thủ tục theo đúng quy định.

Mặt khác, việc Phạm Đức Tuấn và nhân viên Công ty BMS trong quá trình tiếp xúc với các lãnh đạo tại Bệnh viện Bạch Mai đã biếu các khoản phong bì tiền "đối ngoại" cũng góp phần thúc đẩy hành vi của các bị can.

Trách nhiệm chính đối với vi phạm nêu trên trong toàn bộ vụ án thuộc Nguyễn Quốc Anh là người có thẩm quyền cao nhất, quyết định chủ trương, thống nhất giá thiết bị với Công ty BMS, ký kết các chủ tục liên doanh, liên kết các bị can tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và Công ty VFS đồng phạm với vai trò giúp sức.

Hậu quả, thiệt hại của hành vi vi phạm đã dẫn đến làm tăng chi phí khám, chữa bệnh của người dân không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và gia đình, uy tín của các cá nhân, khoa, phòng liên quan, thương hiệu của Bệnh viện Bạch Mai, gây dư luận xấu.

Tài liệu điều tra xác minh cho thấy, trong thời gian từ 2009 - 2019, ông Nguyễn Quốc Anh với cương vị là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện các đề án xã hội hóa, có nhiều dấu hiệu sai phạm trong điều hành, quản lý, vì động cơ cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ y tế, của Chính phủ và pháp luật, gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản của các người bệnh và tiền của Bảo hiểm y tế.

Tính từ năm 2007 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai 35 đề án xã hội hóa liên doanh liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các doanh nghiệp và cán bộ nhân viên để đặt máy, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại một số khoa của bệnh viện.

Ngoài 10 đề án đã thanh lý hợp đồng, hiện còn 27 đề án xã hội hóa đang hoạt động.

Trong đó, 23 đề án liên doanh liên kết với 10 đối tác là các công ty và 2 đề án do cán bộ công nhân viên tại các Khoa, Trung tâm của bệnh viện Bạch Mai góp vốn thực hiện.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng doanh thu khám chữa bệnh của 25 đề án là 2.561 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, các đối tác hưởng 987,8 tỷ đồng; bệnh viện thu về 725, 54 tỷ đồng.

Trong đó các Khoa, Trung tâm của bệnh viện được hưởng 209,65 tỷ đồng.

Còn lại số tiền 515,9 tỷ đồng nhập vào các quỹ đầu tư phát triển và quỹ lương, thu nhập tăng thêm của bệnh viện được quản lý tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội…