“Lạm phát của Sri Lanka tăng nhanh nhất châu Á là lỗi của IMF”

24/02/2022 12:04 congluan.vn

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến thuộc khuôn khổ Đối thoại Kinh tế châu Á 2022, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Ajith Nivard Cabraal cho rằng, sự chậm trễ của IMF về nỗ lực hỗ trợ đảo quốc ngoài khơi Ấn Độ Dương này trong đại dịch, đã làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát.

Tháng trước, Sri Lanka vượt Pakistan, trở thành quốc gia có tốc độ lạm phát tăng nhanh nhất châu Á. Tốc độ lạm phát tăng nhanh chóng được cho là do mùa màng thất thu, nhập khẩu bị gián đoạn và giá cả những nhu yếu phẩm chính trên toàn cầu cao.

“Lạm phát là một thách thức đối với Sri Lanka”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất lên 100 điểm cơ bản kể từ tháng 8 năm ngoái để kiểm soát tốc độ lạm phát, vốn đã đạt 14% trong tháng 1. Ngoài ra, giá lương thực tăng vọt và kho bạc cạn kiệt có thể khiến Sri Lanka vỡ nợ trong năm nay.

Nhiều thách thức lo ngại

Sri Lanka đang phải đối mặt với một khủng hoảng tài chính và nhân đạo ngày càng sâu sắc. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 500.000 người dân nước này đã rơi vào cảnh nghèo đói kể từ khi đại dịch bùng phát, tương đương với nỗ lực thoát đói nghèo trong 5 năm.

Đại dịch Covid-19 cùng với mất nguồn thu từ ngành du lịch đã góp phần vào cuộc khủng hoảng này. Cùng với đó, chính phủ do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đứng đầu, được cho là có mức chi tiêu cao và cắt giảm thuế làm xói mòn nguồn thu của nước này.

Một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với Sri Lanka hiện giờ là những khoản nợ nước ngoài khổng lồ, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Quốc gia Nam Á này hiện nợ Trung Quốc hơn 5 tỷ USD và năm ngoái đã vay thêm 1 tỷ USD của Bắc Kinh nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng tài chính khẩn cấp.

Trong năm 2022, các khoản nợ trong và ngoài nước của chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân Sri Lanka, ước tính 7,3 tỷ USD sẽ đến hạn trả nợ và bao gồm khoản hoàn trả 500 triệu USD trái phiếu nước ngoài trong tháng 1. Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2021, dự trữ ngoại tệ sẵn có chỉ đạt mức 1,6 tỷ USD.

Trong khi đó, lạm phát đã lên mức đỉnh do chính phủ nước này in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài. Lạm phát đạt mức cao kỷ lục 11,1% vào tháng 11 năm ngoái và giá cả leo thang đã khiến những người vốn có mức sống khá giả, giờ phải chật vật để nuôi sống cả gia đình. Ngay cả những nhu yếu phẩm giờ cũng trở nên quá đắt đỏ đối với nhiều người.

“Chính phủ từng hứa sẽ giúp chúng tôi nhưng không có gì xảy ra, vì vậy, chúng tôi chỉ đang cố tự kiểm soát mọi thứ tốt nhất có thể. Tôi không biết chúng tôi có thể tiếp tục gắng gượng được bao lâu nữa”, Shanuka bộc bạch.

Nỗ lực của chính phủ

Sau khi chính quyền Colombo tuyên bố Sri Lanka đang trong tình trạng khẩn cấp về kinh tế, lực lượng quân đội đã được giao trách nhiệm đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm, như gạo, đường và bán với giá do chính phủ quy định. Song động thái này cũng không mấy khả quan.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, việc làm và nguồn thu từ ngành du lịch, vốn đóng góp hơn 10% GDP của Sri Lanka, rất quan trọng đối với nước này. Hơn 200.000 người làm trong ngành du lịch và liên quan bị mất việc.

Nhiều quan chức lo sợ rằng về nguy cơ nổ ra các cuộc biểu tình từ người dân và nó sẽ càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính, từ đó khiến cho cuộc sống của người dân lại càng trở nên khó khăn hơn.

“Khi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc và vượt khỏi tầm kiểm soát, chắc chắn đất nước sẽ xảy ra khủng hoảng tài chính. Cả hai đều sẽ làm giảm an ninh lương thực khi chính phủ quyết giảm sản lượng và không nhập khẩu do khan hiếm ngoại hối. Cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo”, WA Wijewardena, cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka cảnh báo.

Hiện, chính phủ Sri Lanka đã sử dụng các biện pháp cứu trợ tạm thời, chẳng hạn như mở hạn mức tín dụng để nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu từ các đồng minh láng giềng như Ấn Độ, cũng như trao đổi tiền tệ từ Ấn Độ, Trung Quốc, Bangledesh và tăng các khoản vay để mua xăng dầu từ Oman. Tuy nhiên, những khoản vay này chỉ đem lại những hiệu quả cứu trợ ngắn hạn và vay với lãi suất cao, tăng thêm gánh nặng nợ nần đối với Sri Lanka.

Mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp Ramesh Pathirana, cho biết, nước này hy vọng có thể dàn xếp các khoản nợ dầu trong quá khứ với Iran bằng cách thanh toán qua trà. Theo đó, nước này sẽ gửi cho Iran số trà trị giá 5 triệu USD mỗi tháng.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajith Nivard Cabraal đã trấn an công chúng rằng, Sri Lanka có thể trả các khoản nợ của mình một cách “liền mạch”. Song, cựu lãnh đạo Wijewardena lại cho rằng nguy cơ vỡ nợ của Sri Lanka là rất lớn, và điều này có thể dẫn đến hậu quả kinh tế thảm khốc.