‘Dọn rác’ trên mạng xã hội

11/12/2021 15:03 daidoanket.vn

Thời gian qua, việc nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội không chỉ đến từ vài cá nhân mà còn ở cả những người mang danh nghệ sĩ đã gây bức xúc trong dư luận. Thế nhưng, mức xử phạt dường như quá nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe, khiến thực trạng này vẫn chưa thể chấm dứt.

‘Dọn rác’ trên mạng xã hội
Để tăng lượng người theo dõi, nhiều tài khoản “livestream” bán hàng không ngần ngại thực hiện những chiêu trò, thậm chí phát ngôn những lời lẽ không hay trên mạng xã hội. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều chiêu trò để tăng “like”, câu “view”

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhà nhà, người người đã tham gia sử dụng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram, YouTube… Thế nhưng với một môi trường mở, mạng xã hội đang bị “ô nhiễm” với những hành động bôi nhọ, chửi tục, xúc phạm người khác… một cách công khai.

Đơn cử như câu chuyện “livestream” bán hàng trên mạng xã hội. Nhiều tài khoản “livestream” bán hàng đã không ngần ngại thực hiện nhiều chiêu trò chủ yếu nhằm tăng lượng người theo dõi “livestream” trực tiếp của mình. Có người nam bán quần áo chấp nhận mặc váy, đồ lót nữ nhảy múa, có người biến gương mặt mình thành trò hề để quảng cáo cho mỹ phẩm mình đang bán. Còn với người nữ cũng sẵn sàng chỉ mặc nội y để quảng cáo sản phẩm.

Ngôn ngữ bán hàng trên mạng xã hội giờ cũng cực kỳ “khủng khiếp”, họ có thể vừa bán hàng vừa chửi tục. Việc văng tục được nhiều người bán hàng xem như là cách để câu “like”, câu “view”. Văng tục càng nhiều, lượt theo dõi càng lớn. Lời lẽ bậy bạ được dùng như một cách để thể hiện bản thân, trở thành xu hướng bình luận trên không ít trang mạng xã hội.

Không ít người bị xử phạt vì phát ngôn phản cảm, không chuẩn mực trên mạng xã hội.
Không ít người bị xử phạt vì phát ngôn phản cảm, không chuẩn mực trên mạng xã hội.

Đơn cử như cựu người mẫu Trang Trần, trong rất nhiều buổi “livestream” bán hàng đã vừa bán, vừa chửi thề. Thậm chí khi một người nào đó “nhỡ mồm” nói không vừa ý thì lập tức bị đáp trả bằng những ngôn ngữ thô tục. Mới đây, khi bị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phạt 7,5 triệu đồng vì phát ngôn phản cảm, không chuẩn mực trên mạng xã hội thì chính Trang Trần cho rằng, đáng ra cô phải bị xử phạt từ lâu với thái độ vô cùng khoái trí và thách thức dư luận.

Hay như kênh YouTube Kem Kabi dù là một kênh bán hàng nhưng chủ tài khoản này thay vì chào mời lại mắng chửi khách “như hát hay” mỗi khi có phản ứng tiêu cực về sản phẩm. Thậm chí tài khoản này còn làm cả những clip riêng để chửi nhau tay đôi với khách hàng với những lời lẽ vô văn hoá…

Quan ngại hơn cả là trường hợp tài khoản mang tên Huấn Hoa Hồng với những buổi “livestream” vừa bán hàng, vừa hợm hĩnh khoe tài sản và có nhiều phát ngôn gây sốc, chửi bậy, nói những lời đạo đức giả, tuyên truyền lối sống thiếu lành mạnh. Nhân vật này cũng đã từng không ít lần bị phạt vì chia sẻ tin giả, phát ngôn vu khống, ra sách trái phép. Huấn Hoa Hồng từng bị công an phát hiện sử dụng ma túy. Đây quả là mối lo ngại khi số lượng người trẻ theo dõi tài khoản khá lớn, có bạn trẻ còn tôn làm “thầy”…

Dùng mạng xã hội, ai cũng có thể “livestream” chia sẻ câu chuyện của mình. Ảnh: Hoàng Triều.
Dùng mạng xã hội, ai cũng có thể “livestream” chia sẻ câu chuyện của mình. Ảnh: Hoàng Triều.

Không để mạng xã hội thành cái chợ

Thực tế cho thấy, dẫn chứng kể trên chỉ là một phần của mạng xã hội hiện nay. Những hành vi phản cảm đó đã có từ lâu và ngày càng biến tướng với nhiều hình thức, trào lưu mới rất đáng lo ngại. Đáng buồn hơn khi những hành động này đến từ những người mang danh nghệ sĩ. Không thiếu những nghệ sĩ chỉ vì để giải quyết những bức bối của mình sẵn sàng “livestream” đăng đàn chửi tục.

Thậm chí nhiều nghệ sĩ còn coi đó là một quyền năng mới để thỏa sức nói ra những lời lẽ không thể khó nghe hơn. Tất nhiên đằng sau những “livestream” đó có thể là hàng nghìn đơn hàng hay chỉ là thoả mãn cái “tôi” của mình. Kết quả sau đó là rất nhiều người trở thành nạn nhân, kể cả người nổi tiếng bởi những ngôn từ gây tổn thương, xúc phạm người khác của những chủ tài khoản “livestream”.

Dù đã có các quy định pháp luật, một số ít trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý nhưng có thể do chế tài xử phạt còn nhẹ so với lợi nhuận nên vẫn chưa đủ sức để răn đe .

Dưới góc độ quản lý nghệ thuật biểu diễn, chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bày tỏ: Nhiều người trẻ hoạt động nghệ thuật ngày nay hơi ảo tưởng về sức mạnh của mình. Họ tự “cài đặt” mình theo một chế độ đặc biệt, không ai được đụng vào. Họ chỉ thích khen mà không thích chê, ai chê lại phản ứng gay gắt. Họ bỏ qua sức mạnh của cộng đồng thậm chí còn “ngồi lên” trên tiếng nói của cộng đồng. Tôi thấy việc này không đúng chút nào.

‘Dọn rác’ trên mạng xã hội - Ảnh 1

Cũng theo ông Dương, đã làm nghệ sĩ thì cần phải có khán giả. Một khi mà khán giả đã mất lòng tin thì sẽ rất khó khăn trong việc tìm lại chỗ đứng trong nghệ thuật. Người ta có thể bỏ qua cho mình một lần, hai lần… nhưng không thể bỏ qua nhiều lần.

“Với một người nghệ sĩ, sản phẩm nghệ thuật hay thôi chưa đủ. Lối sống và hành vi ứng xử cũng là một thước đo để khán giả đặt lòng tin vào nghệ sĩ. Bởi thế, ngoài việc nâng cao ý thức làm nghề, nghệ sĩ cũng cần phải cẩn trọng trong mọi hành vi ứng xử. Sự chân thành và trung thực luôn là cốt lõi của mọi lòng tin” - ông Dương nói.

Nhiều chuyên gia văn hóa cũng nhận định rằng: Khi ở trên môi trường mạng xã hội, một người nói có thể có cả triệu người nghe, người xem nên họ cảm giác rằng có thể thỏa sức nói gì cũng được. Nhưng nói mà gây hại người khác, tổn hại đến lợi ích cộng đồng thì phải chấn chỉnh và xử phạt. Để “dọn rác” trên mạng xã hội rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng lẫn cộng đồng bằng những giải pháp đồng bộ.

‘Dọn rác’ trên mạng xã hội - Ảnh 2

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Theo sát phương châm “lấy cái tốt dẹp cái xấu”

Để ngăn chặn những hành động xấu trên mạng xã hội, chúng ta phải bám chặt vào phương châm lấy cái tốt dẹp cái xấu, lấy cái thiện dẹp cái ác. Chúng ta phải lên án những việc làm không phù hợp, việc làm tiêu cực. Việc tuyên truyền cũng phải khéo léo, phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Nếu không, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng ngược chiều là tuyên truyền cho những hành động này. Bởi trên môi trường mạng xã hội, thông tin rất đa dạng. Sự định hướng thông tin này không chỉ của những cơ quan chính thống mà còn là vấn đề của nhiều cơ quan chức năng cùng phối hợp.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có những chế tài. Trong thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã xử phạt một số hành vi lệch chuẩn nhưng vẫn cần phải có thêm những biện pháp để răn đe, làm gương. Bộ quy tắc của Bộ Thông tin và Truyền thông về ứng xử trên mạng xã hội cũng là một kênh rất quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của nhiều người. Trong đó, quy định rõ những hành động nào nên làm và không nên làm, được làm và không được phép làm trên mạng xã hội. Đặc biệt, theo tôi nên tổ chức nhiều những hoạt động, chương trình văn hóa nghệ thuật, để tạo ra những mối quan tâm, tạo ra sự quan tâm chủ động và tích cực, đặc biệt là các chương trình dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Khi hoạt động của các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, nhà trường hay tại chính gia đình có những hành động gắn kết các thành viên, sẽ giúp cho mọi người tránh xa nhiều hơn các phương tiện truyền thông và tính tập thể sẽ được tăng cao, giảm bớt tính cá nhân.

‘Dọn rác’ trên mạng xã hội - Ảnh 3

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Xử lý nghiêm để răn đe

Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đang tác động rất sâu rộng đến mọi mặt của cuộc sống bao gồm cả tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, tôi thấy hơi bát nháo. Việt Nam chúng ta có luật an ninh mạng, nhưng tôi nghĩ luật thì có tác dụng ở “thượng tầng” nhiều hơn. Dẫn đến việc sử dụng dưới “hạ tầng” phần lớn là theo cảm tính.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo tôi là vô cùng cần thiết. Nó tạo ra sự bình đẳng cho số đông, chấm dứt những lộn xộn bát nháo. Dù hơi muộn, nhưng nó sẽ là “chỗ dựa” cho những người từ trước đến nay sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh nhưng vô tình trở thành yếu thế trước những người không tuân thủ luật pháp.

Nhưng để ngăn chặn những hành vi xấu trên mạng xã hội thì chúng ta cần có 3 chủ thể chung tay đó là nền tảng mạng xã hội, hành lang pháp lý toàn diện mạnh mẽ có đủ tính răn đe và văn hóa, ý thức của người dùng mạng. Trong đó, về phía nền tảng mạng xã hội, động thái quyết liệt nhất họ có thể làm là xoá tài khoản và chặn IP truy cập. Nhưng những hành động này sẽ vô nghĩa nếu đó là một tài khoản ảo. Còn với hành lang pháp lý, các quy chuẩn pháp luật chỉ áp dụng xử phạt và có tính răn đe với một người thật. Hoặc gắn được trách nhiệm của một người thật, vì chúng ta không thể xử phạt một tài khoản ảo. Cuối cùng, chúng ta cần các chương trình truyền thông giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng bởi văn hóa sử dụng mạng xã hội không thể làm thay đổi nhận thức một tài khoản ảo không có thật.          

Hoàng Minh (ghi)