“Công viên dược phẩm” - Đột phá phát triển cho Bỉm Sơn

26/11/2021 09:15 Bảo Linh

Theo Quyết định số 3390/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóavề việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, thị xã Bỉm Sơn hiện có tổng diện tích quy hoạch 6.386,17 ha, trong đó, nhóm đất nông nghiệp 1.835,56 ha; nhóm đất phi nông nghiệp 4.000,37 ha, nhóm đất chưa sử dụng 550,24 ha.

Quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp sẽ là tiềm năng để Bỉm Sơn phát triển vùng nguyên liệu đặc thù cho ngành “dược phẩm”, đi kèm với việc phát triển các nông trường diện tích lớn phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, ưu tiên khai thác phát triển các loại cây ba kích, diệp hạ châu đắng, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, ích mẫu, nghệ vàng, quế và sả.  

Đáng chú ý, “Công viên dược phẩm” tại thị xã Bỉm Sơn có quy mô khoảng 500 ha, có khả năng thu hút 500 triệu USD vốn đầu tư ban đầu từ các hãng dược lớn , doanh thu xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 5 tỷ USD mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho 50.000 lao động trực tiếp và 200.000 lao động gián tiếp.

Ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm SMS của Ấn Độ, đơn vị thiện chí muốn hợp tác phát triển dự án này cho biết, “Công viên dược phẩm” nếu thành công sẽ là đòn bẩy để Việt Nam trở thành cứ điểm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dược phẩm hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Với vị trí chiến lược đặc biệt gần hai dự án cao tốc trọng điểm quốc gia là cao tốc Bắc Nam (đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 cách Bỉm Sơn chưa đầy 3km) và cao tốc ven biển kết nối Quảng Ninh – Nga Sơn – Bỉm Sơn – Nghi Sơn đến mũi Cà Mau, thị xã Bỉm Sơn được giới chuyên gia nhận định sẽ là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư mới của Việt Nam không chỉ về hạ tầng giao thông, kinh tế mà còn thu hút dòng vốn FDI trên toàn cầu. Đây cũng sẽ là địa phương phù hợp để khai phá tiềm năng phát triển công viên dược phẩm mới của thế giới, khẳng định vai trò thành phố công nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ.