‘Cơn sốt vàng’ bao vây dòng sông Amazon

26/11/2021 09:07 daidoanket.vn

 

Cơn sốt khai thác vàng

Các nhà bảo vệ môi trường đang yêu cầu những hành động khẩn cấp để ngăn chặn cơn sốt khai thác vàng dưới nước dọc theo một trong những nhánh sông lớn nhất của sông Amazon, nơi hàng trăm tàu ​​nạo vét khai thác vàng trái phép đã tập trung để tìm kiếm kim loại quý.

Những chiếc bè nạo vét vàng trái phép nối dài trên con sông Madeira, một trong những nhánh sông lớn nhất Amazon, Brazil. Ảnh: Reuters.
Những chiếc bè nạo vét vàng trái phép nối dài trên con sông Madeira, một trong những nhánh sông lớn nhất Amazon, Brazil. Ảnh: Reuters.

Một đội bè trang bị máy bơm được neo lại với nhau thành hàng dài gần như trải dài khắp con sông Madeira rộng lớn, những chùm khí thải bay lên bầu trời đã cho thấy họ đang hút đáy sông để lấy vàng.

Madeira là dòng sông chảy khoảng 2.000 dặm (3.300 km) từ nguồn của nó ở Bolivia qua rừng nhiệt đới ở Brazil vào sông Amazon. 

“Chúng tôi đếm được không dưới 300 bè. Họ đã ở đó ít nhất hai tuần và chính phủ không làm gì cả”, nhà hoạt động thuộc tổ chức Greenpeace có trụ sở tại Amazon, ông Danicley Aguiar cho biết.

Những chiếc bè nối dài như rắn trên mặt sông Madeira, Brazil. Ảnh: Reuters.
Những chiếc bè nối dài như rắn trên mặt sông Madeira, Brazil. Ảnh: Reuters.

Ông nhấn mạnh: “Tôi đã làm việc ở Amazon 25 năm. Tôi sinh ra ở đây và tôi đã chứng kiến ​​nhiều điều khủng khiếp: tàn phá quá nhiều, phá rừng quá nhiều, rất nhiều hầm mỏ trái phép.

Nhưng khi bạn nhìn thấy một cảnh tượng như vậy, bạn sẽ cảm thấy như thể Amazon đã bị cuốn vào vòng xoáy của lòng tham con người”.

‘Cơn sốt vàng’ khởi nguồn từ đâu?

‘Cơn sốt vàng’ bắt đầu rộ lên bởi tin đồn rằng một mỏ vàng lớn đã được tìm thấy ở khu vực lân cận, đặc biệt sau thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp để tham dự một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow, nơi Brazil tuyên bố sẽ tăng cường bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon.

Các bè nạo vét vàng đã trôi xuống dòng chảy từ khu vực Humaita, khu vực đang gia tăng tỷ lệ khai thác vàng trái phép.

Chúng được nhìn thấy lần cuối cách đó khoảng 400 dặm (650 km) ở Autazes, một quận thành phố phía đông nam Manaus.

Những chiếc bè khai thác trái phép nối dài như rắn trên mặt sông Madeira, Brazil. Ảnh: Reuters.
Những chiếc bè khai thác trái phép nối dài như rắn trên mặt sông Madeira, Brazil. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi đã từng thấy điều này ở những nơi khá, nhưng không phải với quy mô này,” Aguiar lo ngại về hàng trăm chiếc bè lơ lửng trên lòng sông Madeira gần các thị trấn Autazes và Nova Olinda do Norte.

“Nó giống như một cộng đồng của các tàu nạo vét khai thác và chúng chiếm khá nhiều diện tích của toàn bộ dòng sông”.

Ngành công nghiệp khai thác bất hợp pháp trị giá hàng triệu đô của Brazil đã gia tăng mạnh hơn kể từ cuộc bầu cử năm 2018 của tổng thống Jair Bolsonaro, một người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, người ủng hộ ‘những con mèo rừng garimpeiros’- cách để gọi những kẻ rà soát các con sông và rừng nhiệt đới Amazon để khai thác vàng.

Đã có tới 20.0000 ‘garimpeiros’ được cho là đang hoạt động trong khu bảo tồn bản địa Yanomami ở Roraima, một trong chín bang tạo nên lá phổi xanh Amazon của Brazil.

Một mỏ vàng bất hợp pháp ở vùng sông Uraricoera thuộc khu bảo tồn Yanomami. Ảnh: The Guardian.
Một mỏ vàng bất hợp pháp ở vùng sông Uraricoera thuộc khu bảo tồn Yanomami. Ảnh: The Guardian.

Nạn phá rừng cũng tăng mạnh dưới thời tổng thống Bolsonaro, người đã tước bỏ các biện pháp bảo vệ và khuyến khích tội phạm môi trường.

Sự tàn phá của Amazon đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm từ năm 2020 đến năm 2021 khi một khu vực có diện tích lớn hơn một nửa xứ Wales bị mất.

Ông Aguiar, người phát ngôn của Greenpeace tại Amazon cho biết, luận điệu ủng hộ phát triển của Bolsonaro một phần là nguyên nhân dẫn đến cơn sốt vàng diễn ra trên sông Madeira.

Ông cũng chỉ tay vào các chính trị gia khu vực ở Amazon, những người ủng hộ kế hoạch cho phép các thợ mỏ khai thác các mỏ vàng dưới đáy sông.

Một khu vực rừng nhiệt đới bị phá hủy bởi những người khai thác vàng ở vùng Apiau thuộc khu bảo tồn Yanomami. Ảnh: The Guardian.
Một khu vực rừng nhiệt đới bị phá hủy bởi những người khai thác vàng ở vùng Apiau thuộc khu bảo tồn Yanomami. Ảnh: The Guardian.

Trách nhiệm sau cùng thuộc về ai?

Người phát ngôn của cơ quan bảo vệ môi trường Ibama của Brazil cho biết việc nạo vét bất hợp pháp trên sông Madeira không thuộc trách nhiệm của chính phủ liên bang mà của bang Amazonas và cơ quan môi trường IPAAM.

Những chiếc bè tụ họp như một cộng đồng khai thác trái phép trên mặt sông Madeira, Brazil. Ảnh: Reuters.
Những chiếc bè tụ họp như một cộng đồng khai thác trái phép trên mặt sông Madeira, Brazil. Ảnh: Reuters.

Cơ quan IPAAM phản bác trong một tuyên bố rằng, các bè neo đậu trên sông thuộc quyền tài phán của liên bang, vì vậy Cơ quan Khai thác Quốc gia (ANM) chịu trách nhiệm cấp phép và vấn đề các bè này có phạm luật hay không tùy thuộc vào cảnh sát liên bang.

IPAAM cũng nhấn mạnh giao thông và ô nhiễm trên sông là thuộc khu vực của Hải quân.

ANM lại cho rằng những chiếc bè khai thác trái phép không nằm trong tầm ngắm của cơ quan này vì họ chỉ giám sát hoạt động khai thác hợp pháp, trong khi hoạt động tội phạm là vấn đề của cảnh sát và tòa án.

Phía Cảnh sát Liên bang khẳng định họ đang xem xét cách tốt nhất để giải quyết vấn đề và ngăn chặn tội phạm hủy hoại môi trường.